Việt Nam có 4 đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19 với tiến độ khả quan

Bốn đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19 gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen, đều có tiến độ khả quan, dự kiến cuối năm 2021 ra mắt sản phẩm.

Trong đó, Công ty vắc-xin và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế (Vabiotech) sử dụng công nghệ tái tổ hợp, còn gọi là vector virus, đã thử nghiệm dự tuyển vắc-xin trên chuột và có kết quả sinh miễn dịch tốt ở liều nhắc lại. Ở giai đoạn tiếp theo, vắc-xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh, ổn định, đủ tiêu chuẩn thử nghiệm trên người vào năm sau.

Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) cũng sử dụng công nghệ vector virus, đang chờ Bộ Khoa học và Công Nghệ phê duyệt dự án nghiên cứu sau đó tổ chức đấu thầu sinh phẩm.

Viện vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sử dụng chủng dự tuyển NDV-Lasota-S do Mỹ cung cấp, là dạng vắc-xin bất hoạt, tính an toàn cao, kết quả thí nghiệm trên động vật sẽ có trong tháng 8.

Công nghệ vắc-xin tái tổ hợp (còn gọi là vector virus), tổng hợp gene DNA và RNA. Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh.

Công nghệ tạo vắc-xin bất hoạt đã được sử dụng trong các loại vắc-xin trước như vắc-xin ho gà toàn tế bào. vắc-xin bất hoạt làm từ vi sinh vật, virus đã bị bất hoạt hay bị giết chết nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên

Dự kiến tháng 10-12, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người và 2 giai đoạn tiếp theo vào đầu năm 2021, sau đó nâng cấp quy mô 30 triệu liều/năm. Tháng 4/2021, đơn vị sẽ nộp hồ sơ cấp phép.

Đơn vị thứ 4 là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. Công ty này đã nghiên cứu thành công ứng cử viên vắc-xin subunit dựa trên protein S của virus SARS-CoV-2. Loại này được phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp. vắc-xin sẽ bao gồm protein S của chủng virus ở Vũ Hán (Trung Quốc) và chủng đột biến D614G.

Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vắc-xin phòng bệnh cho người, Bộ Y tế, Việt Nam có thể có vắc-xin COVID-19 vào cuối năm 2021. Tốc độ nghiên cứu như vậy là quá nhanh, thông thường phải mất 5-6 năm mới có một vắc-xin đủ tiêu chuẩn.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc-xin COVID-19, rút ngắn quy trình sản xuất và cấp phép để vừa có vắc-xin chất lượng vừa sớm có sản phẩm. Bộ Y tế cũng chuẩn bị những đề án mang tính đầu tư như Quỹ vắc-xin, để người dân được tiếp cận, sử dụng vắc-xin.

“Chúng ta cần sớm có vắc-xin, có thể thử nghiệm lâm sàng trên người vào cuối năm nay”, quyền Bộ trưởng Y tế nói.

Để hỗ trợ, Bộ Y tế sẽ rút ngắn thời gian các quy trình thủ tục, gồm Nghiên cứu sản xuất; Kiểm định; Thử nghiệm lâm sàng, Cấp phép lưu hành; Theo dõi sử dụng vắc-xin. Cụ thể, rút ngắn về hồ sơ và thời gian kiểm định, song song tiến hành nhiều khâu. Ví dụ, khâu thử nghiệm lâm sàng, sau khi có kết quả giai đoạn 1 có thể chuyển sang ngay thử nghiệm giai đoạn 2 trong khi vẫn tiếp tục theo dõi giai đoạn 1.

Thế giới có 30 quốc gia tham gia cuộc đua sản xuất vắc-xin với khoảng 163 ứng viên vắc-xin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển. Trong đó, có ít nhất 4 loại vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Ngày 11.8, Nga tuyên bố đã có vắc-xin đầu tiên cung cấp khả năng miễn dịch vững vàng chống COVID-19, tên là Sputnik V, chỉ sau ba tháng thử nghiệm, làm dấy lên cuộc tranh luận xung quanh tính an toàn của loại vắc-xin này.

Việt Nam là một trong 42 quốc gia tự sản xuất vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắc-xin đạt chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Motthegioi