Việt Nam thống trị thị trường cung ứng cà phê tại Nhật do Covid-19

Hãng tin Nikkei Asia Review (Nhật Bản) trong bài xã luận hôm 19/9 cho biết do ngày càng có nhiều người dân Nhật làm việc tại nhà do dịch Covid-19, sức tiêu thụ cà phê hòa tan đang tăng mạnh.

“Điều đó đã làm nhu cầu về hạt cà phê robusta, nguyên liệu chủ yếu được dùng để làm cà phê hòa tan, tăng cao. Trong khi đó, sức mua arabica, hạt cà phê chất lượng cao hơn và được các cửa hàng cà phê ưa chuộng, lại tụt giảm.

“Xu hướng này đã giúp Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, từ vị trí thứ hai vượt mặt Brazil để trở thành nhà cung cấp cà phê hạt lớn nhất thị trường Nhật”, hãng tin Nhật cho hay.

Giá cà phê robusta giao dịch trên thị trường London đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 18 tháng, trong khi giá cà phê arabica trong đà giảm.

Nikkei Asia Review phân tích đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh cách thức người tiêu dùng Nhật thưởng thức cà phê, từ việc nhâm nhi ở quán thành uống ở nhà.

Chính phủ Nhật đã ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 4, dẫn đến hàng loạt quán cà phê, nhà hàng phải đóng cửa trên toàn quốc, chẳng hạn như chuỗi cà phê Starbucks phải ngưng khoảng 1.100 chi nhánh.

Biện pháp này đã giáng một đòn chí mạng vào sức mua hạt arabica, Nikkei cho biết.

Trong 2 loại hạt cà phê phổ biến hàng đầu này, arabica được đánh giá là cao cấp hơn về hương vị và chất lượng nói chung. Loại này được chọn dùng bởi hầu hết các quán cà phê, nhà hàng.

“Ngay cả sau khi tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ, lượng khách lại các quán xá vẫn chưa quay lại mức trước đây, khiến sức tiêu thụ arabica vẫn suy yếu”, ông Masaomi Arakawa, lãnh đạo tại S. Ishimitsu & Co., một nhà phân phối cà phê lớn tại Nhật, cho biết.

Và trái ngược với arabica, sức tiêu thụ robusta, loại hạt cà phê rẻ tiền hơn, có vị đắng hơn và chủ yếu dùng để sản xuất cà phê hòa tan, lại tăng mạnh mẽ trong bối cảnh Covid-19 khiến mọi người ở nhà.

Nhu cầu về cà phê hòa tan đã tăng vọt, theo báo cáo của Ajinomoto AGF, hãng chế biến thực phẩm hàng đầu Nhật Bản. Doanh số bán các sản phẩm cà phê hòa tan từ tháng 4 đến tháng 6 tăng khoảng 10% so với năm ngoái, báo cáo cho hay.

Thay đổi về cách thức dùng cà phê cũng đã tác động đến lượng nhập hạt cà phê chưa rang tại Nhật. Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu hạt cà phê chưa rang lớn nhất tại Nhật, Nikkei dẫn các số liệu thống kê thương mại cho hay.

Trong thời gian kể trên, Nhật đã mua tổng cộng 67.392 tấn hạt cà phê chưa rang từ Việt Nam, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, cũng cùng khoảng thời gian trên, lượng hạt cà phê nhập từ Brazil, phần lớn là loại arabica, giảm đến 40% xuống còn 63.850 tấn. Hãng tin Nikkei bình luận đây là lần đầu tiên nhập khẩu từ Việt Nam vượt qua lượng nhập từ Brazil, quốc gia trước đó luôn là nhà cung cấp hạt cà phê số 1 của Nhật.

Và Việt Nam nhiều khả năng sẽ giữ yên ngôi vị quán quân cho đến hết năm nay, theo dự đoán của ông Shiro Ozawa, một cố vấn tại hãng mua bán cà phê Wataru & Co. “Đây là một thời khắc lịch sử”, chuyên gia này nhận định.

Minh Đức