Vietcombank, VietinBank và BIDV sẽ bận tâm nhất điều gì năm 2018?

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay 3 ngân hàng top đầu hệ thống là BIDV, VietinBank và Vietcombank đã bỏ khá xa các ngân hàng nhóm sau về tất cả các phương diện, từ quy mô vốn, huy động, dư nợ, tổng tài sản cho đến lợi nhuận làm ra.

Cụ thể, tính thời thời điểm hiện tại, 3 ngân hàng này, cùng với Agribank, đang chiếm một nửa tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế. Tổng tài sản của nhóm này cũng chiếm gần một nửa tổng tài sản của toàn hệ thống. Trong khi đó riêng về huy động vốn thì số tiền đổ về các ngân hàng này đang nhiều hơn của tất cả các ngân hàng cổ phần tư nhân cộng lại.

Về lợi nhuận, Vietcombank năm nay ước lãi khoảng hơn 10.000 tỷ, VietinBank báo đạt hơn 8.800 tỷ còn BIDV cũng cho biết sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra là hơn 7.700 tỷ đồng. Đây đều là các con số đang dẫn đầu hệ thống.

Riêng về hệ thống mạng lưới, BIDV và VietinBank đang đứng đầu với số phòng giao dịch và hệ thống lên đến hơn 1.000 điểm. Vietcombank có mạng lưới nhỏ chưa bằng một nửa, tuy nhiên thời gian gần đây ngân hàng này cũng đang có những động thái cho thấy sẽ tăng mạnh mạng lưới trong thời gian tới.

Với những con số này, nhiều người ắt hẳn tin rằng cả 3 ngân hàng sẽ chẳng có gì phải bận tâm. Tuy nhiên thực tế cho thấy các ông lớn này đang “đau đầu” với một vấn đề, đó là an toàn vốn tối thiểu.

Theo báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong năm 2017, việc tín dụng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so tốc độ tăng vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM sụt giảm nhanh, dẫn đến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc mở rộng cho vay.

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, CAR của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm liên tục. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2016, CAR của toàn hệ thống là 12,84%, thì đến cuối tháng 05/2017 đã giảm về còn 12,66%, đó là đã loại bỏ các TCTD có vốn tự có âm.

Theo UBGSTCQG, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại 10 TCTD thí điểm là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Đơn cử, đối với bốn NHTM Nhà nước lớn, CAR theo báo cáo hiện tại đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel 2 thì CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.

Theo quan sát của BVSC, các NHTM gốc quốc doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn. Vietcombank, BIDV, Vietinbank chưa thành công trong việc tìm đối tác chiến lược cũng như không được tạo nhiều điều kiện để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn trong năm 2017.

Trong khi đó, ở nhóm NHTMCP, hoạt động tăng vốn diễn ra có phần thuận lợi hơn. Điển hình như HD Bank mới đây đã tăng vốn thành công lên mức hơn 9.800 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Còn trước đó, MB cũng tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng; VPbank tăng vốn thêm 1.647 tỷ đồng, lên mức 15.706 tỷ đồng; ACB tăng vốn thêm 1.882 tỷ đồng, lên mức 11.259 tỷ đồng…

Trên thực tế, việc tăng vốn được coi là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng hiện nay vì nếu không tăng được vốn, các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng trong các năm sắp tới khi hệ số CAR suy giảm. Do vậy, BVSC cho rằng tăng vốn sẽ là một trong những câu chuyện trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2018, đặc biệt là các NHTM cổ phần gốc quốc doanh như VCB, CTG, BID.

Theo Ngọc Thảo

Cafef/Tri thức trẻ