Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên và đạt 30 tàu vào năm 2024.
Dự án có tổng vốn đầu tư dự án lên tới 4.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư. Vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%. Dự kiến Vinpearl Ải của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dự kiến khi bắt đầu hoạt động, Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ đồng thời thuê khô (thuê không có tổ lái) và thuê ướt (thuê có tổ lái) tàu bay. Từ năm 2022, Vinpearl Air sẽ đa dạng hoá các nguồn cung tàu bay và phương thức sử hữu như: thuê mua, mua thuê lại cũng như thuê ướt bổ sung mùa vụ. Vinpearl chọn sân bay quốc tế Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ tàu bay qua đêm trong năm đầu khai thác tại Nội Bài, Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, sau khi đi vào hoạt động, dự án vận tải hàng không Vinpearl Air dự kiến sẽ mang lại cơ hội việc làm trực tiếp cho khoảng 500-600 lao động từ thời điểm giữa năm 2020 và tăng lên khoảng 2.200-2.300 lao động vào năm 2023-2024, chưa kể các việc làm gián tiếp thông qua các hoạt động kinh tế, du lịch, đào tạo.
Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng sẽ giúp đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỷ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch 5 năm (2024. Hồ sơ dự án có đánh giá sơ bộ các yếu tố rủi ro tác động đến dự án như biến động của chính sách vĩ mô, lãi suất cho vay, biến động tỷ giá, biến động chi phí nhiên liệu; đồng thời, có đánh giá về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ cung ứng.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị Công ty CP Hàng không Vinpearl Air cần tính toán kỹ về hiệu quả đầu tư dự án trên cơ sở phân tích, dự báo đầy đủ các yếu tố có khả năng tác động tới hoạt động của dự án. Nếu được chấp thuận đầu tư Vinpearl Air cần thực hiện rà soát sự phù hợp năng lực hạ tầng của sân bay căn cứ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với tiến độ khai thác.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay trong nước và quốc tế linh hoạt, phù hợp với năng lực, thực tiễn tại các cảng hàng không dự kiến khai thác, bảo đảm có đủ slot cho máy bay phù hợp với mô hình khai thác. Đánh giá cụ thể hơn tác động của dự án đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Khu vực với mục tiêu góp phần phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT về dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của tập đoàn Vingroup. Vinpearl Air cũng dự kiến sẽ khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing 787.
Đến năm 2025, theo kế hoạch, mạng đường bay của Vinpearl Air dự kiến khai thác lên tới 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng hàng không của Tập đoàn Vingroup cũng dự kiến chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ với số đỗ tàu bay qua đêm năm 2020 là 2 vị trí.
Đáng lưu ý, danh sách sân bay căn cứ của Vinpearl Air không có CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều này được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan bởi hiện tại, sân bay này đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng. Trong lịch sử, đã từng có hãng hàng không bị từ chối cho phép thành lập do đề xuất lập sân bay căn cứ tại Tân Sơn Nhất.
Theo Dân Việt