Website Anh kinh ngạc vì clip cô gái Bến Tre gói kẹo dừa thần tốc, 8.000 viên mỗi ngày

Gói kẹo dừa trong một lớp bánh tráng rồi cuộn vào giấy là công đoạn cuối của quy trình làm món đặc sản Bến Tre. Mới đây, trang Newsflare (Anh) chia sẻ clip cô gái Bến Tre gói kẹo dừa thần tốc.

“Một công nhân Việt Nam gói và đóng gói kẹo cực kỳ nhanh chóng trong đoạn phim được quay vào ngày 19.7.

Cô gái Bến Tre làm việc tại một cơ sở sản xuất kẹo dừa với công việc bọc và đóng gói bánh kẹo.

Cô gói khoảng 6.000 đến 8.000 viên kẹo mỗi ngày”.

Clip cô gái Bến Tre gói kẹo dừa thần tốc được trang Newsflare đăng tải.

Clip cho thấy cô gái gói kẹo dừa trong một lớp bánh tráng (hay còn gọi là giấy tan mỏng phía ngoài) rồi cuộn vào giấy với tốc độ chóng mặt và bàn tay nhanh thoăn thoắt. Chỉ trong thời gian ngắn, cô đã gói xong hàng chục viên kẹo dừa và đưa tất cả vào một bịch.

Xung quanh có vài người chứng kiến và đứng quay clip nhưng dường như không ảnh hưởng đến tốc độ làm việc của cô.

Không riêng cô gái trong clip mà nhiều phụ nữ Bến Tre cũng có khả năng gói kẹo dừa thần tốc như vậy.

Dù trên thị trường có bán máy đóng gói kẹo dừa tự động, song nhiều cơ sở ở Bến Tre vẫn dùng phương pháp thủ công.

Quy trình làm kẹo dừa

Muốn làm kẹo ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Thóc nếp dùng để nấu mạch nha phải là nếp tốt, hạt to chín đều. Để nảy mầm thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch rồi đem nấu lấy mạch nha. Thợ nấu mạch nha phải là thợ lành nghề điêu luyện. Dừa khô lựa trái “rám vàng” mới vừa hái xuống. Vì trái dừa mới bắt đầu khô này có hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Đường nấu kẹo phải chọn loại đường mới, có màu vàng tươi.

Nguyên liệu làm kẹo dừa phải là dừa khô, loại dừa hầu như còn nước dừa bên trong rất ít và hầu như không còn, cơm dừa phải dày, có độ béo cao và màu trắng, không lên mọng dừa. Tiếp theo dùng dụng cụ lột vỏ dừa, lấy cơm dừa và cho vào máy xay nhỏ, cho tất cả cơm dừa xay nhuyễn vào một cái bao và dùng máy ép lấy nước cốt dừa.

Phần nước cốt dừa sau khi ép ra có thể cho thêm nguyên liệu phụ vào như sầu riêng, lá dứa, sôcôla, dâu và nhất thiết phải cho mạch nha vào. Tất cả cho vào một cái chảo rồi cho lên bếp, khuấy liên tục đều tay.

Ngày xưa, khi làm kẹo dừa, người dân Nam Bộ phải dùng tay khuấy liên tục bên bếp lửa, nếu không khuấy, phần nước dừa khi sên sẽ đặc lại.

Ngày nay, máy móc đã hỗ trợ họ trong khâu này. Họ đỡ mất sức hơn, nhưng phần giữ lửa cho phần sên kẹo cũng rất công phu, vì lửa lớn thì sên kẹo sẽ khó khăn, còn lửa nhỏ thì kẹo sẽ rất lỏng.

Khi phần nước cốt cô đặc và chuyển màu, người ta sẽ cho lên giàn khuôn mà khuôn đã được bôi trơn một lớp dầu dừa để chống dính. Dùng dao cắt ra làm nhiều phần theo kích thước định sẵn. Tại khâu này, người ta có thể phối, trộn hoặc cho thêm nguyên liệu lần cuối vào để kẹo có nhiều mùi vị khác nhau như đậu phộng giã nhuyễn, phối màu xanh là kẹo dừa lá dứa rồi hòa vào kẹo sầu riêng, hay cho thanh kẹo nửa màu trắng, nửa màu đen là kẹo dừa sầu riêng sôcôla,…

Đây là hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực rất sáng tạo để đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng, để có thể mở rộng thị trường.

Phần cuối cùng là gói kẹo trong một lớp bánh tráng, hay còn gọi là giấy tan mỏng phía bên ngoài. Bánh tráng này ăn được và có tác dụng hút ẩm cho kẹo. Gói bao bì bằng bánh giấy và cho vào hộp là hoàn tất công đoạn làm kẹo dừa.

Theo Motthegioi