Xây dựng những “thành phố không ngủ” như thế nào để phát triển nền kinh tế ban đêm ở Việt Nam?

Kinh tế đêm đang dần được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới thông qua thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam, đảo lộn đời sống của người dân.

Hiện tại, dù đại dịch đã phần nào được kiềm chế song kinh tế nước ta vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trên phương diện đó, chính phủ đang dự kiến phát triển kinh tế đêm để kích cầu du lịch.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn Tiến Sĩ Trần Thị Thu Hương – Phó trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là người có chuyên môn và trực tiếp tham gia vào đề án xây dựng kinh tế đêm.

Thưa tiến sĩ, kinh tế đêm là gì, và hiện tại vì sao phải phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam?

Chính Phủ đang dự kiến phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) không chỉ để kích cầu du lịch mà còn thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro thương mại ngày càng tăng.

Chính phủ đang xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm.

Trên thực tế có rất nhiều định nghĩa khác nhau về KTBĐ, hay nói một cách khác là không có một định nghĩa chung cho mọi quốc gia.

Mức độ rộng hẹp của các định nghĩa cũng khác nhau do xu hướng hành vi tiêu dùng ban đêm rất đa dạng giữa các quốc gia, cũng như tính đa dạng trong văn hóa, xã hội và kinh tế của các quốc gia.

Theo nghĩa rộng nhất, KTBĐ là tất cả các hoạt động xã hội, văn hóa và sản xuất diễn ra trong khung thời gian ban đêm (thường từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau).

Theo nghĩa hẹp hơn (đang được nhiều nước áp dụng như: Anh, Mỹ, Trung Quốc), KTBĐ là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế văn hóa diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, chủ yếu là các hoạt động và trải nghiệm mang tính giải trí.

Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm hẹp. KTBĐ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm và du lịch.


Thời điểm hiện tại, kinh tế đêm là nơi để kích cầu du lịch.

KTBĐ đang dần được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới thông qua thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, đóng góp vào ngân sách nhà nước,…


KTBĐ giúp gia tăng hoạt động kinh tế nhờ tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa và đặc biệt kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Thực tiễn thế giới cho thấy, một số nước đã đo lường, ước tính được mức độ đóng góp của KTBĐ đối với phát triển kinh tế – xã hội quốc gia. Mặt khác, phát triển KTBĐ cũng kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực nếu không được quy hoạch và quản lý hiệu quả.

Để sinh sống, con người sẽ cần phải tạo ra nhiều giá trị hơn trên cùng một mảnh đất, và điều này đã được nhiều các quốc gia tận dụng bằng cách phát triển không gian cao hơn hay thấp hơn (hướng về phía trên bầu trời hay dưới lòng đất).


Một cách khác mà nhiều quốc gia theo đuổi thời gian gần đây, đó là là tận dụng tối đa thời gian. KTBĐ giúp gia tăng hoạt động kinh tế nhờ tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất và phát huy giá trị văn hóa.

Vậy hiện tại, Việt Nam có lợi thế gì để phát triển kinh tế đêm?

Việt Nam có 4 lợi thế để phát triển kinh tế đêm. Đầu tiên, Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch vì sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú (di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc)

Thứ hai, số lượng khách du lịch quốc tế có xu hướng gia tăng. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2019), du lịch Việt Nam được xếp hạng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất.

Việt Nam cũng đã được nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á” năm 2018 do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới WTA trao tặng.

Khách quốc tế từ các nước như Châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan,… đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước của họ, do vậy, họ cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc ở sản phẩm du lịch đêm tại điểm du lịch.

Thứ 3, GDP/người của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng bình quân 8,2%/năm giai đoạn 2008-2018. Đặc biệt, thu nhập từ tầng lớp trung lưu liên tục tăng. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 40% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, và đến năm 2035 là 50%.

Cuối cùng, Việt Nam có nền chính trị ổn định, không có nguy cơ khủng bố, rất thuận lợi cho phát triển KTBĐ.

Triển khai kinh tế đêm sẽ phát triển những ngành nghề gì, chủ yếu ở tỉnh thành phố nào?

KTBĐ cũng có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của các đô thị, thành phố lớn. KTBĐ sẽ phát triển các ngành giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch. Bên cạnh đó, sẽ khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp sáng tạo như: phim ảnh, âm nhạc và các công việc thiết kế và xuất bản.

Các thành phố lớn/đô thị đều có cơ hội phát triển KTBĐ nếu hội tụ các yếu tố cần thiết như: có chương trình/kế hoạch phát triển KTBĐ bài bản và quản lý hoạt động KTBĐ hiệu quả; có hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ KTBĐ đồng bộ; đa dạng hóa các hoạt động KTBĐ;…

Thưa bà, giới trẻ đóng vai trò gì về việc phát triển kinh tế đêm?

Phải khẳng định tiêu dùng cho giải trí nhiều nhất đến từ bộ phận giới trẻ trung lưu. Việt Nam chưa có số liệu thống kê, nhưng nhiều nước đã có.

Giới trẻ là bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam.

Chẳng hạn, ở Anh, khoảng thời gian sau 8 giờ tối thường là khoảng thời gian sôi động, chủ yếu thu hút nhóm thanh niên từ 18 đến 30 tuổi.

Ở, thành phố Sydney, có tới 74% nhóm thanh niên từ 15-30 tuổi tham gia các hoạt động đêm sau 11 giờ tối, trong khi đó, cùng với thời gian này chỉ có 20% ở nhóm tuổi 30-45 và 6% ở nhóm tuổi trên 45.


Vậy thưa tiến sĩ, trong quá trình phát triển kinh tế đêm sẽ có những khó khăn hay thách thức nào?

Mặc dù, KTBĐ đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội như đã nói ở trên, tuy nhiên phát triển KTBĐ cũng kéo theo nhiều tác động tiêu cực nếu không được quy hoạch và quản lý tốt.

Chẳng hạn, việc phát triển KTBĐ sẽ đặt ra yêu cầu về tái cấu trúc không gian đô thị do KTBĐ trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng lớn đến khu vực dân cư như: ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, tội phạm, lai căng văn hóa và rối loạn an ninh trật tự xã hội. Do vậy, vấn đề quy hoạch không gian cho hoạt động KTBĐ cũng cần tính toán kỹ lưỡng.

Việc phát triển kinh tế đêm theo bà Hương nếu không có đề án rõ ràng sẽ để lại nhiều hậu quả xấu.

Uống rượu được xem là đặc trưng của các hoạt động ban đêm ở các trung tâm đô thị và điều này thường dẫn đến các hành vi thiếu đúng đắn (như: ồn ào, đập phá, xả rác..).

Ngoài ra, hoạt động KTBĐ thường đi cùng với giao dịch tiền mặt, tiềm ẩn rủi ro kết nối thế giới ngầm và các giao dịch “bán hợp pháp” hoặc “bất hợp pháp”. Phát triển KTBĐ đã dẫn đến nhu cầu lớn hơn về sự hiện diện của đội ngũ cảnh sát cũng như hệ thống tư pháp và xử phạt, do vậy đã phát sinh chi phí.

Ngành Y tế cũng phải gánh thêm chi phí ngày càng tăng để xử lý vấn đề bạo lực đêm khuya, tai nạn và lạm dụng rượu, ma túy.


Chính quyền địa phương phải chịu một loạt các chi phí liên quan, như: giám sát việc thực thi và tuân thủ các giấy phép về kinh doanh và giải trí; lắp đặt hệ thống giám sát camera; bộ phận dịch vụ vệ sinh môi trường;…

Như vậy, một mặt rất cần các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTBĐ, nhưng một mặt cũng cần có cơ chế kiểm soát rủi ro KTBĐ; sử dụng công cụ quy hoạch để đảm bảo công tác quản lý các hoạt động KTBĐ một cách lành mạnh.

Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện hôm nay!

“Những thành phố du lịch nổi tiếng thì phải có kinh tế đêm”

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, du lịch giải trí đêm” diễn ra mới đây tại Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế đêm là vấn đề của toàn cầu, và ở Việt Nam nó được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia chứ không phải là cho riêng Đà Nẵng.

“Cho dù hoạt động ban đêm không lớn như ban ngày, nhưng nếu làm tốt và đạt được 10 – 20% của ban ngày cũng là ghê gớm lắm rồi. Đó là lý do ở Anh, Úc… người ta còn tạo ra cả hội đồng để phát triển kinh tế đêm. Những thành phố du lịch nổi tiếng thì đều phải có kinh tế ban đêm. Thành phố Đà Nẵng là đáng sống nhưng mới là đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm thôi. Phải đáng sống ban đêm nữa thì mới được đưa vào các thành phố du lịch nổi tiếng thế giới”, PGS.TS Thiên nói và cho biết cần có sự đồng thuận trong chính quyền và người dân; hiểu được lợi thế và điểm yếu của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế đêm để tận dụng thời cơ “thoát nguy” và “bứt phá” trong thời điểm này.

Trên báo Quảng Nam Online, ông Nguyễn Sơn Thủy – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng có nhìn nhận và phân tích những cơ hội về loại hình du lịch này: “Lâu nay chúng ta vẫn chưa làm rõ nét được vai trò của “kinh tế đêm”, mặc dù tại một số địa phương dọc tuyến đường ven biển qua Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên… có thể làm được vì nằm độc lập, xa khu dân cư. Đặc biệt, những nơi này tập trung nhiều dự án lớn với lượng khách du lịch đông, nhu cầu vui chơi, giải trí ban đêm rất cao.

Do đó, “kinh tế đêm” hình thành sẽ giúp lôi kéo khách tới lưu trú lâu hơn, tăng chi tiêu”.

Theo Toquoc


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *