Chủ nhà đuổi người thuê vì chậm trả tiền trọ do khó khăn bởi Covid-19: Có thể bị truy cứu hình sự

Dân mạng lên án, tẩy chay chủ nhà trọ giữ tiền cọc, đuổi khách

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh và thông tin về chủ trọ ở TP. Hồ Chí Minh đòi đuổi cô gái thuê nhà vì chậm thanh toán tiền trọ khiến dư luận xôn xao.

Theo thông tin trong đoạn video, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với giá 22 triệu đồng/tháng, đặt cọc 50 triệu đồng, đã thuê được 14 tháng (vừa ở vừa cho thuê lại).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người thuê nhà chậm thanh toán 7 ngày. Sang ngày thứ 8, chủ nhà đuổi đi, giữ lại toàn bộ tiền cọc.

Để mọi người nắm rõ tính đúng sai trong sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.

  • PV: Trường hợp người thuê nhà chậm thanh toán tiền 7 ngày như trên thì chủ nhà có quyền đuổi người thuê, lấy lại nhà hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ và điểm b khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở năm 2014, nếu hợp đồng thuê nhà ở còn thời hạn mà bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 3 tháng trở lên và không có lý do chính đáng thì bên cho thuê nhà mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê.

Lưu ý, cho dù trước đó tại hợp đồng thuê nhà nếu hai bên thoả thuận rằng trong trường hợp bên thuê chậm thanh toán tiền nhà quá 7 ngày thì bên cho thuê được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì thoả thuận này sẽ không có hiệu lực (vì nội dung thoả thuận trái quy định pháp luật).

Như vậy, đối với trường hợp nêu trên (chỉ chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày) mà chủ nhà đòi đuổi người thuê ra khỏi nhà là không đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, hiện nay toàn thể đồng bào đang đoàn kết lại để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà chủ nhà đuổi người thuê chậm thanh toán tiền nhà (do khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19) thì càng không nên, không đúng với truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.


Chủ nhà trọ ở TP.HCM đuổi người thuê vì chậm thanh toán tiền nhà. (Ảnh cắt từ clip)
  • PV: Nếu chủ nhà vẫn bất chấp quy định của pháp luật, đuổi người thuê nhà để thu hồi lại nhà ở trong trường hợp này thì có bị gánh lấy chế tài gì hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Tại khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006 quy định “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trong trường hợp này dù căn nhà thuộc quyền sở hữu của chủ nhà nhưng nó là chỗ ở hợp pháp của người thuê (thời hạn thuê nhà vẫn còn theo hợp đồng thuê nhà).

Do đó, nếu chủ nhà đuổi người thuê nhà ra khỏi căn nhà đó thì chủ nhà có dấu hiệu phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo điểm b khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Khi đó, khung hình phạt sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

  • PV: Rõ ràng trong trường hợp này chủ nhà có hành vi quá đáng với người thuê nhà, cần phải có chế tài nghiêm minh như trên. Tuy nhiên, thực tế nếu người thuê nhà không gặp khó khăn về tài chính mà cứ chây ì trong việc thanh toán tiền thuê nhà (chậm từ 1 đến 2 tháng) mà chủ nhà không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì có phải quy định của pháp luật là bất lợi cho người cho thuê nhà hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Tôi khẳng định, quy định của pháp luật hiện hành là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, hài hòa được quyền và lợi ích của người thuê nhà và chủ nhà.

Bởi lẽ, chủ nhà đang giữ tiền đặt cọc của người thuê (thông thường, số tiền đặt cọc tương đương với 2 đến 3 tháng tiền nhà);

Trong hợp đồng thuê nhà hai bên có quyền đưa vào hợp đồng quy định phạt vi phạm hợp đồng (ví dụ trong trường hợp chậm thanh toán tiền nhà mà không có lý do chính đáng thì phải trả thêm một khoản tiền lãi…);

Trong trường hợp xấu nhất tiền đặt cọc chỉ bằng 2 tháng tiền nhà, người thuê nhà nợ gần 3 tháng tiền nhà rồi bỏ trốn gây thiệt hại cho chủ nhà thì chủ nhà có quyền khởi kiện ra Tòa án để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình.

Thông qua sự việc này, tôi khuyên chủ nhà nói riêng và mọi người nói chung cần thượng tôn pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người khác, cũng như bản thân mình không gặp phải rủi ro pháp lý.

Theo Trí Thức Trẻ

Dân mạng lên án, tẩy chay chủ nhà trọ giữ tiền cọc, đuổi khách giữa mùa dịch

Theo thông tin đăng tải, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với chi phí là 22 triệu đồng/tháng (vừa làm chỗ ở vừa cho thuê lại), đặt cọc 50 triệu đồng.

Cô gái ở được 14 tháng nhưng do dịch bệnh xảy ra, khách thuê của cô trả phòng, về quê nên không đủ tiền đóng. Cô gái xin chủ cho trả nhà trước thời hạn, gỡ lại một chút tiền đặt cọc nhưng không được đồng ý.

Chỉ chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày, sang ngày thứ 8 cô bị chủ đuổi đi. Trong clip trên, cô gái nghẹn ngào mong được chia sẻ, anh công an cũng nhẹ nhàng thuyết phục chủ nhà thay đổi quyết định. Tuy nhiên, bà chủ nhà vẫn quyết định đuổi cô gái ra khỏi nhà.

Clip trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đa số cho rằng, về lý, bà chủ nhà không sai nhưng về tình thì đúng là không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Thậm chí, nhiều người còn kêu gọi tẩy chay chủ nhà trọ.

Hiền Phụng chia sẻ: “Ở khu công nghiệp Bình Dương, dịch bệnh chủ nhà còn miễn hai tháng tiền thuê nhà cho người thuê và còn cho thêm một yến gạo. Vậy mà sao mẹ con bà chủ này ghê gớm thế. Sống phải có tâm chứ”.

Hiền Anh nhận xét: “Bà này ghê gớm, trong bất cứ hợp đồng nào cũng có điều khoản bất khả kháng như thiên tài, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh… Cô gái kia chắc làm hợp đồng không chặt”.

Lam Phương đồng tình: “Không những không chặt mà cái điều khoản trễ tiền 8 ngày mà đơn phương thanh lý hợp đồng rồi lấy luôn tiền đặt cọc là thấy không ra gì rồi”.

Nga Nguyễn viết: “Về luật thì bà chủ đúng thật. Nhưng sống không có tình người như vậy trời. Thừa nước đục thả câu”.

Anh Thư bình luận: “Tẩy chay luôn chủ nhà trọ này thôi. Chẳng ai thuê nữa cho bà chủ trọ sáng mắt luôn. Đúng là không có tình người gì cả!”

Một số ý kiến khác khuyên cô gái thuê nhà nên làm đơn kiện.

Phạm Việt Thắng viết: “Luật pháp luôn bảo vệ lẽ phải và đạo lí. Em tin, nếu cô gái khởi kiện, bà này sẽ xin hoà giải. Vì nếu không hoà giải, không chia sẻ với người thuê, thì còn lâu bà này mới có khách thuê nhà.

Không cần ghi trong hợp đồng, mà chỉ cần cô gái chứng minh được sự thiệt hại do dịch bệnh dẫn đến không có khả năng thực hiện hợp đồng vì bất khả kháng. Việc chứng minh này là quá dễ. Bằng chứng là người thuê lại nhà của cô vì dịch bệnh mà không thuê nữa”.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bảo vệ chủ nhà: “Ở TP.HCM có hình thức đầu cơ bất động sản. Nếu bà chủ này vay thêm tiền ngân hàng để mua nhà cho thuê chờ lên giá bán thì vụ này bà thiệt hại tiền tỷ, cô đi thuê cũng kinh doanh cho thuê lại rủi ro thì phải chấp nhận thôi. Dưới góc độ kinh tế chuyện này hết sức bình thường. Mọi người hơi vội kết luận và bị tình cảm chi phối quá.

Trần Chí Dũng viết: “Các điều khoản trong hợp đồng này là bình đẳng đối với cả 2 bên, hợp đồng thuê nhà không cần thiết phải công chứng. Về lý chủ nhà không sai, về tình chủ nhà hơi ít.

Cô bé thuê nhà để làm ăn thì phải hiểu là có rủi ro, và rủi ro thì mình phải tự gánh chịu cũng như việc nếu làm ăn tốt chắc cũng không trả thêm cho chủ nhà tiền thuê nhà. Nên việc này hai bên chỉ xử lý bằng tình cảm thôi. Công nhà bà chủ nhà này không có tình người thật”.

Theo VTC

  • Xem thêm:

Có dấu hiệu dịch bệnh xâm nhập vào cộng đồng, tiếp tục quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội

Phó Thủ tướng khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh