Để phương thức đầu tư BOT thu hút được vốn đầu tư quốc tế và vốn đầu tư tư nhân trong nước, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ.
BOT là đầu tư tư nhân, nên doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu từ 51% trở lên không tham gia phương thức này, mà thực hiện theo Luật Đầu tư công.
Chỉ nên thực hiện phương thức BOT đối với các dự án quy mô lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật: đường bộ, cảng biển, cảng hàng không, điện năng, cấp thoát nước; những dự án quy mô nhỏ thì đầu tư theo phương thức thông thường. Đối với dự án đường bộ, chỉ nên thực hiện BOT đối với xây mới đường cao tốc và đòi hỏi nhà đầu tư phải có đủ năng lực vốn và chuyên môn.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, nghị định, thông tư có liên quan BOT để hình thành khung khổ pháp lý đủ khả năng điều chỉnh các khâu từ việc chọn nhà đầu tư, đấu thầu, tư vấn, giám sát đầu tư, quyết toán và kiểm toán công trình; sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các định mức kinh tế – kỹ thuật quốc gia làm cơ sở để đấu thầu, chọn thầu, kiểm tra, giám sát thực hiện dự án.
Xây dựng cơ chế mới đối với việc đề ra chủ trương đầu tư theo hướng: trên cơ sở đề xuất danh mục dự án của các bộ, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, thành lập Hội đồng Tư vấn độc lập gồm các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật để phản biện danh mục dự án đầu tư BOT, giúp Chính phủ quyết định Danh mục dự án đầu tư từng thời kỳ có cơ sở khoa học và khách quan. Cơ chế phản biện độc lập cũng được áp dụng khi quyết định đầu tư xây dựng những công trình lớn, quan trọng đối với quốc gia mà Chính phủ đã từng làm, ví dụ việc lựa chọn địa điểm, quy mô, bậc cao hay bậc thấp đối với Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Quy định tiêu chuẩn nhà đầu tư tham gia từng loại dự án để bảo đảm năng lực thực chất về vốn, công nghệ, chuyên gia và công nhân có đủ kinh nghiệm nghề nghiệp; áp dụng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch, được tổ chức thực chất; giảm thiểu cơ chế chọn thầu hoặc chỉ định thầu. Hội đồng Đấu thầu, ngoài đại diện cơ quan nhà nước, cần mời chuyên gia có năng lực chuyên môn và công tâm tham gia để lựa chọn đúng nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án. Công khai trên các mạng thông tin của các bộ những nhà đầu tư vi phạm luật pháp, không hoàn thành hợp đồng BOT, có hành vi gian lận, hối lộ để loại ra khỏi danh sách các nhà đầu tư tham gia đấu thầu.
Cần quan tâm việc hướng dẫn, giám sát, thanh tra của cơ quan nhà nước đối với dự án BOT để kịp thời phát hiện khiếm khuyết của chủ đầu tư, các nhà thầu, đề ra giải pháp bắt buộc chủ đầu tư khắc phục. Hình thành cơ chế giám sát độc lập của các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội và đại diện cộng đồng dân cư để hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc giám sát, thanh tra dự án đầu tư. Quy định quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi xử lý các vấn đề đã được phát hiện; cũng như trường hợp nhà đầu tư vi phạm nghiêm trong luật pháp, hợp đồng, nhưng không kịp thời phát hiện và xử lý, gây ra hậu quả nghiêm trọng theo hướng đề cao kỷ luật, kỷ cương của bộ máy nhà nước.
BOT là phương thức đầu tư thích hợp với các dự án quy mô lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, vẫn cần tiếp tục thực hiện để thu hút FDI và thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đất nước.
Theo GS -TSKH nguyễn Mại
Báo Đầu tư