Brazil: “Mỗi phút có 1 người chết vì Covid-19”, tổng thống trút giận lên WHO

Ngày 5-6, Tổng thống Jair Bolsonaro dọa sẽ rút Brazil ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi cơ quan này cảnh báo các chính phủ về nguy cơ của việc sớm gỡ bỏ lệnh phong tỏa Covid-19.

Kỷ lục mới về số ca tử vong mỗi ngày tại Brazil đã làm số người chết vì Covid-19 tại nước này vượt qua Ý vào tối 4-6 (giờ địa phương). Thế nhưng, ông Bolsonaro vẫn muốn nhanh chóng gỡ bỏ lệnh cách ly trong nước vì cho rằng những thiệt hại về kinh tế quan trọng hơn so với sức khỏe cộng đồng.

Tờ nhật báo Folha de S.Paulo đưa tin mới chỉ 100 ngày trôi qua kể từ khi ông Bolsonaro mô tả con virus đã “giết 1 người Brazil mỗi phút” là “một căn bệnh cúm nhẹ”. “Khi mọi người đang đọc bài báo này, một người dân Brazil khác đã chết vì Covid-19” – tờ báo viết.

Tối 4-6, Bộ Y tế Brazil thông báo số ca nhiễm được xác nhận trong nước đã vượt quá 600.000 ca và trong vòng 24 tiếng có 1.437 người chết. Với 35.047 người tử vong tính đến sáng 6-6 (giờ Việt Nam), Brazil đứng thứ 3 trong số những nước có nhiều người chết vì Covid-19 nhất thế giới sau Mỹ và Anh.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từ chối đeo khẩu trang khi nói chuyện với người ủng hộ vào ngày 4-6. Ảnh: EPA-EFE

Khi được hỏi về việc Brazil đang cố gắng giảm bớt lệnh giãn cách xã hội dù số ca nhiễm mới và số ca tử vong vẫn tăng mỗi ngày, phát ngôn viên WHO Margaret Harris cho biết tiêu chí quan trọng để gỡ bỏ phong tỏa là làm chậm tốc độ lây nhiễm.

Sau đó, khi trả lời phỏng vấn các phóng viên vào ngày 5-6, ông Bolsonaro nói Brazil sẽ cân nhắc rời khỏi WHO trừ khi cơ quan này không còn là một “tổ chức chính trị đảng phái”. Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với WHO vì cho rằng cơ quan này đã trở thành con rối của Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát đầu tiên.

Việc ông Bolsonaro phủ nhận đe dọa của Covid-19 với sức khỏe cộng đồng và cố gắng gỡ bỏ lệnh phong tỏa trong nước đã bị chỉ trích khắp Brazil. Một số người cáo buộc ông đang sử dụng cuộc khủng hoảng để phá hoại các thể chế dân chủ.

Theo NLD

Dù ông Trump cắt đứt, tổng giám đốc WHO vẫn ca ngợi Mỹ

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 1-6 đã ca ngợi sự đóng góp to lớn của Mỹ đối với sức khỏe toàn cầu và kêu gọi tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp.

Lời kêu gọi của ông Tedros được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã quyết định rời khỏi tổ chức này. Vào ngày 29-5 , Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với WHO. Ông cáo buộc tổ chức này trở thành con rối của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Trong lúc đó, các chuyên gia y tế cùng một loạt các nhà khoa học khác hôm 1-6 đã bày tỏ sự lo ngại trước phát biểu của GS Alberto Zangrillo, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt Bệnh viện San Raffaele ở TP Bologna, Ý: “Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) không còn tồn tại trên lâm sàng nữa và dịch Covid-19 đang mất dần hiệu lực”.

Một công nhân tại Iraq trong bộ đồ bảo hộ tại nghĩa trang chôn cất bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Reuters

Bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO, cũng như một số chuyên gia khác về virus và các bệnh truyền nhiễm, cho biết các tuyên bố của GS Zangrillo với Đài truyền hình Quốc gia Ý thiếu các bằng chứng khoa học.

“Không có dữ liệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đang thay đổi đáng kể cả ở dạng lây truyền hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nó gây ra” – bà nói.

Tính đến ngày 2-6, thế giới đã có hơn 6,2 triệu trường hợp mắc dịch Covid-19 và ít nhất 375.000 trường hợp tử vong, theo ĐH Johns Hopkins.

Tại Mỹ, có khoảng 1,8 triệu trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận, trong đó hơn 105.000 trường hợp tử vong.

 Hồng Kông xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới

Một ổ dịch mới gồm 9 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gây lo ngại ở Hồng Kông.

Trường hợp nhiễm đầu tiên là 2 vợ chồng đã được xác nhận vào ngày 31-5. Kể từ đó, thêm 4 người hàng xóm, 2 đồng nghiệp của người vợ và 1 nhân viên y tế của Sở Cứu hỏa đã đưa người phụ nữ đến bệnh viện, được xác nhận là đã bị mắc bệnh.

Lãnh đạo của Hồng Kông, bà Carrie Lam, nói trong cuộc họp báo hàng tuần vào ngày 2-6: “Chúng tôi rất quan tâm đến ổ dịch 9 người này”.

Người phụ nữ bị mắc bệnh đầu tiên là một nhân viên làm ca đêm tại kho Kerry Logistics, nơi cô dán nhãn các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ Anh, truyền thông địa phương đưa tin.

Chính phủ ​​sẽ mở rộng lệnh cấm tụ tập nhóm có nhiều hơn 8 người từ ngày 2-6.

Bà Lam đã nhiều lần nói rằng đây là các biện pháp y tế không có động cơ chính trị.

Tính đến 1-6, Hồng Kông có 1.088 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 4 trường hợp tử vong.

Theo NLD


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *