Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương mở cửa đầy thất vọng. Các hợp đồng tương lai của chứng khoán Mỹ cũng có diễn biến tương tự. Giá Bitcoin giảm sâu xuống đáy 5 tháng.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, Bitcoin vừa ghi nhận 1 nhịp điều chỉnh mạnh lên tới 10% trong thời gian ngắn, qua đó bị đẩy lùi về mốc 54.600 USD/BTC. Trong 7 ngày qua, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã thiệt hại hơn 20%, thu hẹp vốn hóa thị trường xuống dưới mốc 1.100 tỷ USD.
Các thống kê của Bloomberg cho thấy Bitcoin đang chứng kiến biên độ giảm theo tuần lớn nhất kể từ khi sàn giao dịch FTX sụp đổ vào năm 2022.
Diễn biến của Bitcoin xuất hiện trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu rung lắc mạnh.
Thị trường tài chính thế giới suy yếu
Hàng loạt hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ đều rơi vào tình trạng giảm mạnh vào đầu tuần, phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ; dư địa tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ trong cơn sốt AI; căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Chỉ số Dow Jones tương lai giảm 300 điểm (-0,8%); S&P 500 và Nasdaq 100 tương lai giảm lần lượt 1,1% và 1,7%.
Hôm 2/8, Nasdaq cũng khép lại tuần suy yếu thứ 3 liên tiếp, khiến chỉ số thiên về công nghệ này giảm hơn 10% so với mức kỷ lục được thiết lập vào tháng trước.
S&P 500 cũng có diễn biến tương tự và giảm 2% trong tuần trước. Ngay cả Dow Jones vốn có hiệu suất tốt hơn cũng đã chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng điểm và giảm 2% tuần trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh. Trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm tính đến ngày 2/8 có lợi suất 3,79%, giảm so với mức 4,20% của một tuần trước đó.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/8, thị trường châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục quán tính bán tháo từ tuần trước.
Nhật Bản dẫn đầu mức giảm trong khu vực khi chỉ số Nikkei 225 và Topix giảm tới 7%. Các công ty niêm yết lớn như Mitsubishi, Mitsui và Co, Sumitomo và Marubeni đều giảm hơn 10%.
Cả Nikkei và Topix đều đang tiến gần đến vùng thị trường giá xuống khi giảm gần 20% so với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập vào ngày 11/7.
Kospi của Hàn Quốc giảm 3,9%, trong khi Kosdaq giảm 3,5%.
Rào cản của Bitcoin
Quay trở lại Bitcoin, các quỹ giao dịch ETF tại Mỹ đã chứng kiến làn sóng thoái vốn lớn nhất trong khoảng 3 tháng qua vào ngày 2/8. Tài sản kỹ thuật số này cũng đã giảm xuống dưới mức giá trung bình động 200 ngày.
Bitcoin đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kể từ khi đạt mức kỷ lục 73.798 USDvào tháng 3, bao gồm cả sự thay đổi cục diện chính trị ở kỳ bầu cử tổng thống khi ứng cử viên Cộng hòa ủng hộ tiền điện tử Donald Trump và đối thủ là Phó tổng thống ở đảng Dân chủ Kamala Harris (người vẫn chưa nêu chi tiết lập trường về chính sách tài sản kỹ thuật số) đối đầu nhau.
Ngoài ra, thị trường còn lo ngại về khả năng bán Bitcoin bị chính phủ tịch thu và rủi ro dư thừa nguồn cung từ các token được trả lại cho các chủ nợ thông qua thủ tục phá sản.
Mức tăng trưởng của Bitcoin tính từ đầu năm đến nay đã chậm lại ở mức khoảng 34%, so với mức tăng 19% của vàng và mức tăng 9% của chỉ số chứng khoán toàn cầu.
Dẫu vậy, một số nhà phân tích vẫn lạc quan với Bitcoin ở thời điểm hiện tại.
“Các nhà giao dịch trái phiếu đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 9 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sự biến động gần đây trên các thị trường truyền thống phản ánh xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ đến sớm hơn dự kiến. Đây là tín hiệu tốt cho tiền điện tử”, Sean Farrell, Giám đốc chiến lược tài sản kỹ thuật số tại Fundstrat Global Advisors LLC, lập luận.
Theo Znews