Chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao trước khi khép lại năm 2023?

Thị trường chứng khoán trong nước có khả năng bật lên nếu những sự kiện như cuộc họp của Fed và việc đưa hệ thống giao dịch KRX diễn ra thuận lợi.

Sau khi trải qua tháng 10 đầy giông bão, thị trường chứng khoán trong nước nhanh chóng phục hồi ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 11.

Từ mốc đóng cửa tháng 10 là 1.042 điểm, chỉ số đại diện sàn HoSE có thời điểm tăng hơn 80 điểm lên ngưỡng 1.125 điểm trước khi khép lại tháng giao dịch vừa qua ở mốc 1.094 điểm. Dù điều chỉnh nhẹ nhưng chỉ số vẫn tăng 5% so với đầu tháng.

Tuy nhiên, VN-Index chưa thể tiến xa khi gặp lực cản lớn. Chỉ trong vòng một tháng, chỉ số có tới 5 lần văng khỏi mốc 1.100 điểm. Phần lớn thời gian giao dịch trong tháng 11 đều dao động quanh mốc này, cho thấy đây là ngưỡng tâm lý quan trọng đối với các nhà đầu tư.

Chờ đợi xác nhận xu hướng mới

Thanh khoản có cải thiện 16% so với tháng 10, nhưng việc chứng khoán vực dậy từ cú điều chỉnh trước đó chưa đủ để thuyết phục dòng tiền lớn nhập cuộc mà thay vào đó là sự thận trọng.

Thực tế cho thấy khối ngoại vẫn chưa ngừng xu hướng bán ròng trên HoSE khi rút về 3.800 tỷ đồng, kéo dài chuỗi bán ròng sang tháng thứ 8 liên tiếp. Trong đó, các mã nằm trong rổ VN30 như VHM, MWG, VPB dẫn đầu nhóm giá trị bán ròng lần lượt đạt 1.960 tỷ đồng, 1.501 tỷ đồng và 1.109 tỷ đồng.

Tháng 12 năm ngoái cũng là giai đoạn thị trường phục hồi dần sau chuỗi ngày bị bán tháo. Ảnh: TradingView. 

Có nhiều nguyên nhân đứng sau đà hồi phục chung của thị trường. Một trong số đó là việc áp lực tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt so với giai đoạn biến động lên đến gần 24.600 đồng trước đó.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà Nước đã ngừng động thái hút tiền qua kênh phát hành tín phiếu vào ngày 9/11, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 9. Trước đó, cơ quan này đã hút về khoảng 360.000 tỷ đồng nhằm khắc phục vấn đề thừa tiền trong hệ thống ngân hàng và tránh tình trạng đầu cơ tỷ giá.

Theo VNDirect, áp lực tỷ giá giảm bớt mở ra cơ hội cho ngân hàng bơm ròng số tiền đã hấp thụ trước đó trở lại thị trường thông qua kênh OMO. Động thái này tạm thời xóa tan lo ngại trên thị trường về việc NHNN sẽ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ do áp lực tỷ giá.

Trong khi đó, thị trường khó bật lên và xác nhận xu hướng phục hồi cụ thể do rơi vào vùng trống thông tin. Không chỉ thiếu vắng thông tin mang yếu tố hỗ trợ, chứng khoán Việt Nam còn đối mặt một số nhiễu động như vụ bắt giữ Chủ tịch CTCP Đầu tư LDG Nguyễn Khánh Hưng mới đây về tội lừa dối khách hàng.

Đâu là lực kéo cho thị trường tháng cuối năm?

Bước sang tháng 12, thị trường sẽ nhận tác động từ hai thông tin cơ bản trước mắt là kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra ngày 13/12 và việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX.

Chứng khoán MBS cho biết thị trường toàn cầu khép lại tháng 11 với mức tăng rực rỡ, chấm dứt chuỗi giảm 3 tháng liên tiếp ở nhiều thị trường lớn. Động lực cho xu hướng tăng điểm từ đầu tháng tới nay là kỳ vọng rằng Fed đã có thể chấm dứt việc tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm 2024.

Bên cạnh đó, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và sự suy yếu của đồng USD đã giải toả bớt áp lực giảm điểm đối với thị trường cổ phiếu. Trên thị trường lãi suất tương lai, đặt cược của nhà đầu tư đang bắt đầu xuất hiện khả năng Fed cắt giảm lãi suất ngay trong mùa xuân 2024.

Việc đưa hệ thống KRX vào hoạt động có thể rút ngắn quá trình nâng hạng của thị trường. Ảnh: Nam Khánh. 

Dự báo tuần giao dịch tới đây, Chứng khoán MBS cho biết thị trường đang dao động trong vùng tích lũy với biên dưới ở vùng 1.075 điểm, biên trên ở vùng 1.115-1.120 điểm. Với thanh khoản tuần vừa qua giảm tới 30% so với tuần trước, dòng tiền đã trở nên thận trọng nên xu hướng đi ngang khả năng vẫn là chủ đạo chừng nào vùng hỗ trợ 1.075 điểm chưa bị vi phạm.

Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các nhóm cổ phiếu có câu chuyện trong quý IV như chứng khoán với KRX, đầu tư công với điểm rơi vào quý IV hay nhóm xuất khẩu (thủy sản, hóa chất, cảng biển…), bất động sản khu công nghiệp.

Về góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán VCBS đánh giá VN-Index kết phiên vẫn giữ được nhịp tích lũy tốt, bám sát đường trung bình động MA20. Hầu hết các chỉ báo vẫn đang cho tín hiệu trung lập, cho thấy VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy, tăng giảm đan xen.

Với diễn biến hiện tại, VN-Index cần có được phiên tăng điểm tích cực, vượt lên trên đường Tenkan-sen để có thể nối dài nhịp tăng điểm mới. Ngược lại, nếu lực cầu vẫn chưa gia tăng tốt, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa và giao dịch giằng co với biên độ 10 điểm.

Công ty này khuyến nghị nhà đầu tư giữ nguyên tỷ trọng danh mục và có thể canh giải ngân cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn trong các nhịp rung lắc, nhưng cần duy trì tâm lý thận trọng và bám sát diễn biến trong phiên để kịp thời cơ cấu danh mục cho mục tiêu quản trị rủi ro nếu thị trường bất ngờ xuất hiện xu hướng tiêu cực vượt kỳ vọng.

Theo Znews