Chuyên gia quốc tế: Chỉ trong 2020, Việt Nam thừa sức khôi phục kinh tế khỏi khủng hoảng Covid-19

Thông qua mở lại ngành du lịch trong nước và khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, Việt Nam cho thấy đã vượt qua khủng hoảng Covid-19 một cách ngoạn mục và sẵn sàng cho vị thế trung tâm kinh tế khu vực, tức đủ khả năng thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong một số ngành nghề.

Đó là nhận định của Pankaj Jha, tiến sĩ về quan hệ quốc tế, trong bài phân tích được đăng tải trên diễn đàn Morden Diplomacy.

Vị tiến sĩ người Ấn Độ này trích dẫn báo cáo hồi tháng 4 của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo, bất chấp việc kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 2,7%, cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn, Philippines và Indonesia được dự đoán chỉ tăng trưởng kinh tế lần lượt ở mức 0,6% và 0,5%, trong khi 2 nền kinh tế lớn trong vùng là Thái Lan và Malaysia sẽ tăng trưởng âm.

IMF cũng cho rằng lạm phát Việt Nam sẽ hơn 3% và theo Tiến sĩ Pankaj thì đây vẫn là mức hoàn toàn có thể kiểm soát.

Rồi trong báo cáo công bối hồi tháng 5/2020, IMF dự đoán trong năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng mạnh mẽ ở mức 7%, một nhận định mà theo chuyên gia quốc tế cho thấy chỉ trong năm 2020 cũng đủ để Việt Nam hồi phục kinh tế.

Lý do để IMF đưa ra dự đoán như trên là do tổ chức này đã nhận thấy được nền tảng kinh tế vững chắc, cũng như sức tăng trưởng mạnh về xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, việc kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng vì Covid-19 cũng góp phần vào dự đoán của IMF.

Tạp chí Forbes từng nhận định Việt Nam sẽ là một trong những điểm du lịch an toàn thời hậu Covid-19 vì chính phủ Việt Nam ban hành những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Với chỉ chưa đầy 400 ca nhiễm và không có thiệt hại về nhân mạng là một thành tựu “đã được công nhận ở tầm quốc tế”, Tiến sĩ Pankaj bình luận.

Tiến sĩ Pankaj chỉ ra thêm rằng chính sách thúc đẩy đầu tư và cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chính phủ Việt Nam đang theo đuổi, sẽ làm tăng tuần hoàn vốn, thúc đẩy đào tạo nguồn lao động có tay nghề và làm tăng việc áp dụng công nghệ vào sản xuất ở các ngành nghề cấp thấp.

“Trong khi đó, ngành xuất khẩu dệt và may mặc Trung Quốc lại đang lâm vào xu hướng suy thoái do nhu cầu ở thị trường châu Âu suy yếu. Đây có thể được xem như một lợi thế nữa cho ngành xuất khẩu Việt Nam”, Tiến sĩ Pankaj nhận định.

Và với hiệp định thương mại tự do FTA vừa ký kết với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam đang nhắm tới các tập đoàn sản xuất toàn cầu đang muốn điều chỉnh hoặc di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

“Theo các điều khoản được ký kết với EU, vốn sẽ có hiệu lực vào tháng 8, lợi ích thương mại mà Việt Nam dự kiến sẽ gặt hái được là rất to lớn’, ông Pankaj dự báo.

Còn về mảng du lịch thời hậu Covid-19, việc hàng loạt các điểm du lịch đông nghịt khách sau khi được mở cửa trở lại chứng tỏ Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi cơn khủng hoảng dịch bệnh. Du khách nội địa chiếm đến gần 80% tổng số du khách toàn quốc và với viễn cảnh đường bay quốc tế sắp được khôi phục, kèm theo các gói khuyến mãi lớn về du lịch, đặc biệt là về khách sạn và các tour theo nhóm, sắp được tung ra, “Việt Nam sẽ thắng lớn”, Tiến sĩ Pankaj cho hay.

“Trong khi các điểm du lịch lớn trong vùng là Thái Lan và Singapore vẫn chưa thể mở cửa đón du khách trở lại, Việt Nam nhiều khả năng sẽ hưởng số lượng khách quốc tế không thể đến 2 điểm du lịch đó”, vị tiến sĩ Ấn Độ cho biết thêm.

Minh Đức