Đại gia veston, sơ mi và “cú bẻ lái” sang mặt hàng mới toanh trong Covid-19

Chỉ may đồ công sở, veston song doanh nghiệp dệt may có doanh thu nghìn tỷ đồng mỗi năm đã phải chuyển hướng may khẩu trang, váy, áo thun… Mọi thứ đều thay đổi, trong dịch Covid-19.

Đó là chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP, với Dân trí.

Theo ông, Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có với chuỗi giá trị toàn cầu khi gây gián đoạn đối với cả cung và cầu hàng hóa. Sự lây lan đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro.

Chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng.

– Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Còn đối với doanh nghiệp nội, tác động của dịch bệnh tới chuỗi cung ứng ra sao?

Đại dịch Covid-19 là một trong những dấu mốc ấn tượng nhất không chỉ với chúng tôi mà với cả ngành dệt may và chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Việc gián đoạn này đã nêu bật những hạn chế của chuỗi cung ứng đường dài.

Ví dụ, các công ty may mặc truyền thống mua vải từ châu Á, cắt may thành quần áo ở các nước khác, sau đó vận chuyển đến Mỹ hoặc châu Âu. Những chuỗi cung ứng đường dài này có thể làm chậm khả năng phản ứng nhanh chóng của doanh nghiệp trước khủng hoảng và khiến doanh nghiệp đối mặt với tình cảnh hàng tồn kho chất chồng.

May 10 hiện có trên 60 khách hàng là các nhà nhập khẩu về may mặc và trên 600 nhà cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu cho công ty. 70% số nhà cung cấp này đến từ Trung Quốc.

Do Trung Quốc là mắt xích chính trong ngành may, nên nói về chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì chỉ rơi vào quý I-II/2020. Đến năm nay, cơ bản chuỗi cung ứng với ngành may đã ổn định.

Tuy nhiên, một mắt xích khác lại đang gặp vấn đề là logistic. Đầu tháng 1, tình trạng thiếu container xảy ra dẫn đến nguyên phụ liệu không thể đi được, bị chậm 2-3 tuần gây ảnh hưởng vô cùng lớn.

Đến nay, tại Quảng Châu, Thẩm Quyến đang bị ùn tắc container nên chi phí cũng bị đẩy lên rất cao.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP.

Giá vận chuyển tăng 3-4 lần nhưng ngành may là ngành thời vụ nên nguyên phụ liệu về chậm sẽ ảnh hưởng tới việc đưa vào chuyền sản xuất. Sản xuất xong thì lại thiếu container để xuất khẩu đi, đây là ảnh hưởng kép, nên dẫn đến chậm – hủy đơn hàng.

Đối với các nguyên vật liệu từ Quảng Châu, Thẩm Quyến đang bị nặng, hàng cứ nằm ở cảng 2-3 tuần không giao được. Thượng Hải sẽ bị chậm 5-7 ngày.

Chúng tôi thì may mắn là 80% nguyên liệu được nhập từ Thượng Hải, Hồng Kông nên không bị tắc. Song, chúng tôi cũng bị chậm vài ngày và phải đàm phán với nhà cung cấp là giao hàng bằng đường bộ, đường sắt.

Hiện chuỗi cung ứng không đứt gãy nhưng có dấu hiệu tăng giá vì giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới đang tăng cao. Thế nhưng để tránh tình đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra, các doanh nghiệp cũng cần phải đa dạng nguồn nhập.

– Năm 2020 có hiện tượng nhà máy tại Việt Nam bị chậm thanh toán chi phí nguyên vật liệu, nhân công cho các đơn hàng đã làm nhưng khách hủy, hoãn. Khách chậm thanh toán đòi giảm giá. Công ty bị ảnh hưởng ra sao?

Thời điểm tháng 1-2/2020, các nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho chúng tôi ở Trung Quốc bị dừng đột ngột do dịch bùng phát.

Đến đầu tháng 4/2020, khi nguyên phụ liệu đã ổn định thì cú sốc thứ 2 ập tới: Các nhà nhập khẩu hàng may mặc ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản bị dịch bùng phát nên dừng nhập đơn hàng.

Các đơn hàng mà chúng tôi đã mua nguyên phụ liệu về không được sản xuất. Những đơn hàng đã đưa vào sản xuất rồi thì phải dừng giao hàng. Thậm chí, các đơn hàng chờ cập cảng còn bị đối tác ngỏ ý cho quay về, vì không quay lại thì sang đó cũng để kho.

Đặc biệt, các đối tác xin chậm thanh toán tiền hàng tất cả đơn hàng công ty gửi sang. Trước kia, việc thanh toán chỉ trong một tháng, thì thời điểm đó việc thanh toán chậm từ 3 đến 9 tháng.

Cú sốc lớn nhất với doanh nghiệp chính là tiền đọng ở nguyên phụ liệu và nhân công. Bởi doanh nghiệp đã thanh toán tiền nhân công và nguyên phụ liệu nhưng hàng bị chậm thanh toán, dẫn đến đọng vốn tại hàng trong khi chúng tôi vẫn phải chịu lãi vay. Ngoài ra, việc thanh toán cũng có nhiều rủi ro nếu dịch năm 2020 không kiểm soát được.

Rủi ro ở chỗ lúc đầu các đơn vị nhập hàng chỉ xin lùi, nhưng nếu hàng không giao được và hết mùa thời trang thì nguy cơ hủy đơn hàng rất cao.

Tuy nhiên rất may là các đối tác của công ty đều uy tín nên chỉ bị chậm thanh toán. Đến bây giờ, chúng tôi đã giải quyết gần như toàn bộ tồn đọng về thanh toán, nguyên phụ liệu…

– Vậy phương án kinh doanh trong năm 2021 được đặt ra trong kịch bản ra sao? Cơ cấu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong 2 năm diễn ra đại dịch thay đổi thế nào để thích ứng với đại dịch, thưa ông?

Điểm sáng của chúng tôi trong thời điểm khủng hoảng vì dịch bệnh chính là kịp thời chuyển đổi. Trước đây, mặt hàng chủ lực của công ty là veston và sơ mi, nhưng do giãn cách nên hội họp, giao thương phải hoãn.

Do đó, nhu cầu về thời trang công sở bị giảm sút mạnh. Trong khi các mặt hàng không phải thế mạnh như đồ ngủ, đồ mặc ở nhà lại lên ngôi.

Để bắt kịp xu hướng thị trường, chúng tôi đã phải tìm nguồn hàng thay thế. Chúng tôi đã chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang và bộ phòng chống dịch.

Năm 2020, các sản phẩm này đã đóng góp 17% doanh thu, bù đắp vào sự giảm sút 15% doanh thu do không sản xuất mặt hàng chủ lực, giúp tổng doanh thu tăng 3,5%.

Năm 2020, công ty cũng buộc phải chuyển đổi sang các sản phẩm không phải truyền thống như váy, áo thun, áo phông… là những sản phẩm chúng tôi chưa bao giờ làm.

Dù không phải đầu tư máy móc nhưng phải đào tạo lại về tay nghề và tổ chức lại sản xuất toàn bộ. Hiệu quả không phải các sản phẩm truyền thống.

Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng đã phải đưa ra nhiều thay đổi trong quản trị để tăng khả năng ứng phó, khả năng linh hoạt, quản trị rủi ro khi chuyển đổi sản phẩm mới. Tất cả hoạt động liên quan đến chuyển đổi số đều được tăng cường.

Do dịch có nhiều diễn biến khó đoán, nên tháng 8/2020, ban lãnh đạo đánh giá năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn.

Các nhận định đa phần đúng nhưng có một điều chúng tôi đã dự đoán sai. May mắn là dự đoán sai đó lại có lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, chúng tôi dự đoán, các đơn hàng xuất khẩu bị giảm sút vì các đơn hàng xuất khẩu chưa hồi phục vì dịch. Nhưng thực tế, 3 quý đầu năm 2021, lượng hàng xuất khẩu lại nhiều.

Tuy nhiên, do dự báo từ giữa năm ngoái, nên May 10 đã nhận đơn hàng cho quý I-II với mức giá không được tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng không tuyển được bổ sung lao động mới để giải quyết số lượng hàng tăng 15-20%. Để giải quyết, chúng tôi phải tăng chi phí cho người lao động, gây ảnh hưởng đến doanh thu.

– Vừa sản xuất vừa chống dịch, việc đảm bảo mục tiêu kép này được thực hiện ra sao? 

Hiện tại, dịch bệnh tại Việt Nam vẫn diễn biến khó lường, nên chi phí cho phòng chống dịch rất lớn. Nguy cơ về dịch bệnh xảy ra tại doanh nghiệp vẫn rất cao. Điều đó khiến cho chúng tôi vừa làm vừa phải phòng chống dịch khiến cho nguồn lực bị phân tán.

Thêm nữa, khó khăn đến từ việc vừa làm vừa chống dịch khi chúng tôi có khoảng 8.000 công nhân viên trực thuộc và khoảng 4.000 công nhân viên của công ty liên kết cũng do May 10 quản lý, trải dài trên 18 nhà máy tại 7 tỉnh thành phố.

Điều này dẫn đến việc, nếu có một ca nhiễm Covid-19 thì toàn bộ hệ thống cũng sẽ phải dừng. Vì thế, đảm bảo an toàn cho hơn 12 nghìn người là cực kỳ khó khăn.

Hơn nữa, chi phí cho chống dịch cũng phải tăng lên, nhất là trong bối cảnh việc kinh doanh không hiệu quả.

Hai khó khăn đầu tiên thì đến năm 2021 đã khắc phục được nhưng khó khăn về dịch thì vẫn đang tiếp diễn. Bởi ngành may chỉ cần nghỉ vài ngày đã rất khó khăn, vì ảnh hưởng tới thời hạn giao hàng và nguy cơ hủy đơn hàng.

Nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều may mắn khi công tác phòng dịch vẫn tốt, chưa có ca nhiễm. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty vẫn hết sức cẩn trọng và lo lắng vì ca Covid-19 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

CEO May 10 cho biết việc không sản xuất các mặt hàng chủ lực khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh đến doanh thu (Ảnh: CT).

– Chuỗi cung ứng trong ngành may đã có nhiều thay đổi, điều đó có ảnh hưởng tới sức mua của thị trường trong và ngoài nước, dựa trên các hợp đồng tương lai đã ký kết?

Câu chuyện sản xuất, kinh doanh của năm 2021 khác hẳn năm 2020. Cụ thể, năm 2020, công ty bị đứt cả nguồn cung nguyên liệu đầu vào lẫn tiêu thụ sản phẩm đầu ra do Covid-19 khi rất nhiều đơn hàng bị hủy, phải tạm dừng sản xuất một số bộ phận. Sang năm nay thì ngược lại, chúng tôi và cả ngành may lại có quá nhiều đơn hàng, không làm được hết.

Chúng tôi có trên 90% sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nếu như năm trước, các thị trường như Anh, Mỹ, EU… cứ đóng, mở cửa liên tục, thì năm nay, lần mở cửa này của nhiều nước chắc chắn và lâu dài hơn. Lý do vì họ đã tiêm chủng đến mức tiếp cận miễn dịch cộng đồng.

Trong quý I/2021, lượng đặt hàng sản xuất của công ty tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước do thời điểm quý III và IV/2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Để đảm bảo duy trì sản xuất, doanh nghiệp đã nhận một số đơn hàng có mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019. Mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc doanh nghiệp phải thay thế bằng mặt hàng khác.

Hiện nay đơn hàng jacket, quần âu, sơ mi đã có đơn đến tháng 8/2021, riêng veston là mặt hàng chủ lực của May 10 thì vẫn chưa có đủ hàng để đáp ứng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, hiện chỉ đạt 50% năng lực.

Do phải chuyển đổi sản xuất mặt hàng khác giá trị thấp hơn thay thế như dệt kim, quần áo, quần áo trẻ em… nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và doanh thu.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dệt may ghi nhận tín hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí đến hết năm.

Những tín hiệu từ thị trường trong quý I/2021 cho thấy, dự báo và hướng phấn đấu đạt mục tiêu của ngành dệt may là có cơ sở thực hiện được, tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019.

Việc các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng dài hạn, nhiều mặt hàng chủ lực được các đối tác quan tâm… chính là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của ngành may mặc.

Tuy nhiều khó khăn bủa vây nhưng phía Hiệp hội dệt may Việt Nam vẫn tin tưởng mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021 của ngành dệt may sẽ đạt được.

– Cảm ơn ông!

 Thế Hưng

Theo Dân trí