Các vụ việc nhân viên hải quan bị phản ánh nhận bôi trơn của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đang được Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo làm rõ. Những cá nhân liên quan đã bị đình chỉ công việc để xác minh.
Chắc chắn, các vụ việc này sẽ được xử lý đến đầu, đến đũa. Nhưng câu chuyện về chi phí không chính thức trong kinh doanh có lẽ vẫn còn dài kỳ nếu như nhìn vào những gì mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Trong nghiên cứu mới được công bố của Dự án PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2017, cảm nhận về tình trạng chi phí không chính thức nói chung vẫn ở mức cao. Khoảng một nửa cho đến 2/3 số doanh nghiệp trả lời điều tra cho rằng, tình trạng chi trả chi phí không chính thức là phổ biến; khoảng 7-12% cho biết có chi trả một số tiền lớn cho khoản này; trên một nửa số doanh nghiệp tin rằng, chi trả “hoa hồng” là cần thiết để đảm bảo trúng trong các cuộc đấu thầu với cơ quan nhà nước…
Nhiều doanh nghiệp tin rằng, chi trả “hoa hồng” là cần thiết để đảm bảo trúng trong các cuộc đấu thầu với cơ quan nhà nước. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Lý do của những cảm nhận trên cũng không có gì mới. Chỉ có 50% doanh nghiệp có thể tiếp cận được các thông tin đấu thầu qua các kênh công khai. 70% doanh nghiệp nói phải có quan hệ để có thể tiếp cận các tài liệu liên quan đến điều hành kinh tế của các địa phương. Việc tiếp cận được các tài liệu liên quan đến quy hoạch cũng như các tài liệu pháp lý của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn…
Rõ ràng, sự chưa minh bạch trong hệ thống quy định về kinh doanh, trong thủ tục hành chính… có liên đới khá nhiều tới mức độ cảm nhận về chi phí không chính thức trong doanh nghiệp.
Phải nói thêm, PCI 2017 cũng đã ghi nhận xu hướng giảm của chi phí này, tuy chưa thực sự mạnh mẽ.
Việc Quốc hội đã thông qua một số văn bản pháp luật quan trọng nhằm củng cố vai trò và lợi ích của người dân trong quản lý nhà nước và hành chính công, trong đó, phải kể đến là Luật về Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018, cũng như quyết tâm đưa ra một loạt biện pháp cải cách nhằm giảm tình trạng tham nhũng và tăng tính trách nhiệm cá nhân thông qua việc tinh giản biên chế gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…, đã có những tác động rất tích cực.
Nhưng hệ thống pháp luật liên quan đến kinh doanh vẫn còn nhiều rối rắm, chồng chéo, thậm chí có nhiều cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, tùy thuộc vào người xử lý.
Nhiều yêu cầu của Chính phủ về việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ quy định của pháp luật, làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của những đối tượng liên quan, cũng như yêu cầu công khai các văn bản liên quan đến đầu tư – kinh doanh… vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương tuân thủ nghiêm túc.
Hệ quả là, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp bị đẩy cao, buộc doanh nghiệp phải chọn phương án bỏ chi phí không chính thức để giảm tối đa thời gian thực hiện, tranh thủ các cơ hội của thị trường. Đây cũng là cơ hội phát sinh tệ nạn tham nhũng, mà những vụ việc tại hải quan hay thuế nêu trên chỉ là những vụ việc bị phát hiện.
Mọi việc chỉ có thể giải quyết dứt điểm khi tính minh bạch và giám sát thực thi được tuân thủ nghiêm túc, trước hết là trong bộ máy nhà nước.