Vaccine Covid-19 được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc “phủ” vaccine cho công nhân.

Trao đổi với Zing, bà Đặng Thị Phương Ninh – Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên hải (Cofidec) – cho biết đơn vị vẫn đang cố gắng giữ việc thực hiện “3 tại chỗ” cho gần 1.000 công nhân, nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và các sản phẩm thủy hải sản, nông sản phục vụ thị trường nội địa.

“Việc thực hiện ‘3 tại chỗ’ không chỉ là sự gồng gánh về chi phí của doanh nghiệp, mà là cả sự hy sinh của từng người lao động. Hiện, doanh nghiệp đang lo lắng liệu có gồng nổi nếu sau 15/9 vẫn tiếp tục phương án ‘3 tại chỗ’ hay không”, bà Ninh bày tỏ.

Theo bà, không chỉ Cofidec mà tất cả doanh nghiệp đều mong mỏi từ nay đến 15/9, người lao động được tiêm vaccine mũi 2. “Có nhanh chóng phủ 2 liều vaccine cho người lao động mới giúp doanh nghiệp yên tâm chuyển đổi phương thức hoạt động và sống chung với dịch bệnh sau ngày 15/9”, bà nói,

Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động vì không thể trụ nổi phương án “3 tại chỗ”, số khác hoạt động cầm chừng để duy trì đơn hàng, gánh nặng tài chính lại đè nặng lên vai doanh nghiệp. Vì vậy, vaccine và kiểm soát người lao động chặt chẽ vẫn là chìa khóa để cứu doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), số lượng công nhân chưa tiêm vaccine Covid-19 mũi một chiếm khoảng 20% trong tổng số 320.000 lao động ở khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao.

Nhiều công nhân thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc tại nhà máy) chưa được tiêm mũi một và không có trong danh sách tiêm ngừa tại địa phương. Ngoài ra, hàng nghìn công nhân làm việc ở TP.HCM nhưng trọ ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai… không thể đi lại giữa hai địa phương để tiêm vaccine.

Đại diện Công ty TNHH bao bì Alpla Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Đông Nam TP.HCM cho biết hiện nay 1/3 số công nhân của công ty chưa được tiêm vaccine mũi một. “Hiện 2/3, số công nhân của doanh nghiệp đã được tiêm, còn số công nhân còn lại chưa tiêm do nhiều lý do như người mang thai, bệnh dị ứng, chưa kịp đăng ký…”, đại diện này cho hay.

Tất cả doanh nghiệp đều đuối sức với phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: Hoàng Hà.

Hơn nữa, đại diện công ty cho biết nhiều công nhân thực hiện “3 tại chỗ” ở nhà máy cũng chưa tiêm vaccine mũi một do công ty lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo giữa các công ty khi đi tiêm vaccine. “Hiện công ty vẫn duy trì hoạt động với 1/3 số lượng công nhân và chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19”, đại diện này nói.

Theo HBA, việc phủ vaccine trong các doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho cá nhân người lao động lẫn doanh nghiệp và bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất trong hiện tại lẫn tương lai. Việc này đồng thời giúp công nhân trở lại làm việc được thuận lợi, an toàn.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, công nhân các khu chế xuất – khu công nghiệp và khu công nghệ cao – nhất là công nhân “3 tại chỗ” – không có tên trong danh sách tiêm chủng ngừa dịch Covid-19 tại phường/xã, địa phương.

Tiêm đủ vaccine cho công nhân càng sớm càng tốt

Do đó, Hiệp hội đề xuất UBND TP.HCM giao cơ quan quản lý lập danh sách tiêm vaccine phòng Covid-19 “vét” mũi thứ nhất cho nhóm công nhân lao động này. Doanh nghiệp sẵn sàng chi trả các khoản phí để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhằm hạn chế đứt gãy trong chuỗi sản xuất kinh doanh.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện nay tiêm vaccine cho công nhân đều chuyển về các quận, huyện địa phương chứ không tổ chức tiêm tại doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, đối với lao động đang thực hiện ‘3 tại chỗ’ không thể ra ngoài để về địa phương tiêm vaccine. Theo đó, phải cho phép công nhân được tiêm vaccine ngay tại đơn vị đó”, ông Chu Tiến Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cho rằng để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng “vùng xanh” giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại, TP cần nhanh chóng tiêm vaccine cho công nhân tại cả những doanh nghiệp không tổ chức “3 tại chỗ”.

Nhằm giảm áp lực về nhân sự y tế quận, huyện tổ chức tiêm ngừa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM, doanh nghiệp kiến nghị thực hiện “xã hội hóa” tiêm ngừa vaccine Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo ông Dũng, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cần xử lý dứt điểm ngay những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, chứ không chỉ tiếp nhận và báo cáo.

“Đặc biệt cần có đường dây nóng để doanh nghiệp có thể kết nối, phản ánh những vấn đề cần hỗ trợ và được giải quyết ngay”, ông Dũng đề xuất.

Để chuẩn bị rộng vùng xanh giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại, TP cần nhanh chóng tiêm vaccine cho công nhân tại cả những doanh nghiệp không tổ chức 3 tại chỗ

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cũng vừa có kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM cung cấp vaccine và bác sĩ giám sát (nếu cần) tại các điểm tiêm của từng khu chế xuất – khu công nghiệp. Còn về nhân sự y tế tiêm chủng thì Hiệp hội đề xuất được thực hiện trên tinh thần “xã hội hóa”, tự chi trả.

Theo đó, Hiệp hội sẽ ký kết với các bệnh viện tư nhân, các tổ chức y tế ngoài công lập để tổ chức các đội tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trước đó, việc tổ chức tiêm theo hình thức xã hội hóa này đã được thí điểm tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam và cho thấy hiệu quả, an ninh, an toàn.

Theo TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, từ nay đến 15/9, sau khi phủ 100% vaccine ít nhất khoảng 2 tuần, nhóm nghiên cứu dự kiến đề xuất UBND TP.HCM tạo điều kiện cho doanh nghiệp, có người lao động đã được tiêm vaccine, trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sẽ đi kèm với các điều kiện về giãn cách, quy định 5K của Bộ Y tế. Khi đó, thay vì sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp được chủ động xây dựng phương án sản xuất của doanh nghiệp mình sao cho chủ động và phù hợp, có sự giám sát của thành phố.

Theo Zing