Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự trữ ngoại hối đạt mức 52 tỉ USD, ông Trương Văn Phước – quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – nhận định con số này hết sức ấn tượng, tạo niềm tin trong và ngoài nước, mở ra nhiều cơ hội khác.
Con số 52 tỉ USD dự trữ ngoại hối này nói lên điều gì? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phước nói:
– Nói một cách nôm na, dự trữ ngoại hối là lượng ngoại tệ mà một quốc gia nắm giữ để cung ứng cho khả năng chi trả quốc tế của quốc gia đó. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại tệ của một quốc gia tương đương với 12 tuần nhập khẩu thì có thể xem quốc gia đó có đủ khả năng thanh toán quốc tế khá vững chắc. Năm 2017, chúng ta đã vượt ngưỡng yêu cầu này khi đạt 13 tuần nhập khẩu.
Con số 52 tỉ USD đó tạo ra một niềm tin tăng cao không chỉ đối với thị trường trong nước, với những nhà đầu tư Việt Nam mà còn đối với thị trường nước ngoài và những nhà đầu tư quốc tế. Cùng với lạm phát thấp, tỉ giá hối đoái ổn định thông qua dự trữ ngoại hối cao là hai trong những chỉ báo quan trọng đối với ổn định kinh tế vĩ mô của một quốc gia.
* Những nhân tố quan trọng nào làm cho dự trữ ngoại hối tăng cao như thế?
* Trong năm 2017, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên 3 lần, thông thường sẽ làm cho đồng USD tăng rất cao. Tại sao tỉ giá USD/VND chỉ tăng 1,3%?
– Đúng là trong 2017, FED tăng lãi suất với mức tăng 0,75%, từ đó có nhiều dự báo cho rằng đồng USD sẽ tăng giá rất mạnh. Nhưng thực tế USD lại mất giá nặng nề. Tính bình quân so với các đồng tiền chủ yếu USD mất giá trên 7%. Vì sao?
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng có thể quan sát các chính sách của Mỹ thời Tổng thống Donald Trump khi ông nhậm chức vào tháng 1-2017: ông Donald Trump đang hiện thực hóa những lời cam kết trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó có tuyên bố muốn USD yếu như là vũ khí cơ bản chấm dứt sự thiếu hụt trên cán cân thương mại. Đó là lý do khá thuyết phục khi giải thích sự suy yếu của đồng USD mặc dù lãi suất USD tăng cao.
Trong xu thế đó, lẽ ra VND có thể lên giá so với USD. Nhưng để đảm bảo sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát tuy thấp 3,53% thì việc điều hành tỉ giá để cho VND mất giá 1,3% so với USD là phù hợp trong năm 2017.
* Ông dự báo gì về tỉ giá của đồng USD so với VND năm 2018?
– Thông thường tỉ giá chịu tác động bởi hai nhóm nhân tố: bên trong và bên ngoài. Bên trong là do các yếu tố như lạm phát, cung cầu trên thị trường ngoại hối trong nước… Bên ngoài chủ yếu từ sự mạnh yếu của đồng USD trên thị trường ngoại hối quốc tế.
Năm 2018, tôi nghĩ rằng lạm phát của Việt Nam cũng chỉ xoay quanh mức như năm 2017, còn thị trường ngoại hối cung vẫn sẽ vượt cầu vì niềm tin của thị trường tăng lên. Nhất là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã có chiều hướng tích cực hơn nhiều với các dòng vốn ở bên ngoài chuyển vào để mua cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đối với thị trường nước ngoài, dù cho có dự báo FED tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018 nhưng nhìn chung USD cũng không tăng giá nhiều, thậm chí còn mất giá so với những đồng tiền khác. Với nhận định như thế, tôi cho rằng VND có thể mất giá so với USD trong biên độ từ 1,5-2% là có thể chấp nhận được.
* Ông bình luận thế nào về lãi suất huy động ngoại tệ là 0%/năm?
– Chúng ta đã theo đuổi bền bỉ chính sách hạn chế đôla hóa trong gần 20 năm qua. Và đến nay chính sách đó đã đạt được nhiều thành công đáng kể.
Đồng USD đã bị đẩy lùi khá xa và đồng tiền Việt Nam đã có một vị thế vững mạnh không chỉ dưới góc độ thanh toán mà là một đồng tiền có sức mạnh trong cất giữ và định giá. Tỉ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, các quan hệ về tiền gửi tiền vay ngoại tệ giảm đi rất nhiều, thay vào đó là hoạt động mua bán ngoại tệ nhộn nhịp hơn. Vì vậy tôi cho rằng chính sách huy động USD với lãi suất 0%/năm vẫn còn phù hợp. Tất nhiên, nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thì đòi hỏi phải quan sát chặt chẽ và linh hoạt trong việc thiết kế chính sách.
“Chính phủ cần có thêm hành động để doanh nghiệp phát triển, tiếp tục thoái vốn, đưa thêm cổ phiếu hấp dẫn lên thị trường – cơ sở để người dân tin và coi thị trường chứng khoán là kênh để đầu tư có tiềm năng” GS.TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) Chứng khoán, kênh đầu tư hàng đầu Tỉ giá ổn định cùng với nhiều giải pháp tích cực khác góp phần thu hút một lượng vốn, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài, đã đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu như mong muốn của Chính phủ. Trong phiên giao dịch 3-1, VN-Index tăng 9,9 điểm lên 1.005,67 điểm với giá trị giao dịch trên 6.342 tỉ đồng, cao nhất trong 10 năm. Theo các chuyên gia, các thông tin kinh tế vĩ mô tích cực dồn dập đến vào cuối năm như tăng trưởng GDP vượt qua dự đoán, lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối cao, dòng vốn đầu tư FDI tăng trưởng… đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường. Ít nhất là trong nửa đầu năm 2018, thị trường chứng khoán vẫn được coi là kênh đầu tư chính và có thể đem lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh – giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng – khuyên các nhà đầu tư thận trọng khi chọn cổ phiếu đầu tư vì trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán từ cuối năm 2017 đến nay có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu. Mức tăng giá của thị trường thời gian qua chủ yếu được đóng góp bởi những cổ phiếu lớn thuộc nhóm VN30, trong khi nhiều cổ phiếu nhỏ giảm giá hoặc tăng trưởng thấp. Ông Hoàng Thạch Lân – trưởng bộ phận tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt – cho rằng Chính phủ thoái vốn nhiều công ty thời gian qua là tốt cho thị trường, thêm cổ phiếu là thêm lựa chọn cho nhà đầu tư, giúp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, tỉ giá ổn định rất thuận lợi để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa gắn liền niêm yết các tập đoàn lớn của Nhà nước. “Làm được thế, có thể tiến đến bước thứ hai là nâng cao chất lượng thị trường để thị trường chứng khoán VN sớm được nâng hạng”, ông Lân nói. |
Thị trường ngoại tệ, vàng ổn định cũng giúp dòng tiền đổ vào bất động sản. Nhưng cũng có lo ngại nếu đầu tư bất động sản bằng vốn vay sẽ tiềm ẩn rủi ro. Ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế): Bất động sản phát triển nhưng tiềm ẩn rủi ro Thị trường bất động sản phát triển tốt nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp và biệt thự biển. Loại hình condotel chưa có pháp lý rõ ràng nhưng đang gia tăng giá trị ảo dựa trên những cam kết của chủ đầu tư về tỉ suất lợi nhuận 8-10%/năm. Một mối lo khác, đó là tín dụng bất động sản đang “phình to”. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy kênh bất động sản đang chiếm đến 15% tổng dư nợ tín dụng. Hiện trong số 59% tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, thực chất có đến 52,9% là tiêu dùng bất động sản, đây là mức tăng trưởng có dấu hiệu rủi ro. Bên cạnh đó, lãi suất huy động thậm chí có chiều hướng tăng cũng bất lợi cho bất động sản. Ông Nguyễn Mạnh Khởi (phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng): Thị trường nhà đất tiếp tục phục hồi Trong tháng 11-2017, lượng giao dịch bất động sản tăng 3,2% so với tháng 10 nhưng so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 13%. Nguyên nhân là do chính sách kinh tế và tín dụng đã tác động việc giao dịch bất động sản. Năm 2016 giao dịch đầu cơ nhiều, đến năm 2017 nhu cầu mua nhà để ở tăng dần. Năm 2018, thị trường bất động sản tiếp tục trong chu kỳ phục hồi, phát triển. Dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào bất động sản cũng tăng. Hiện một số cơ chế chính sách đang được sửa đổi, ban hành mới, cộng với nhu cầu về nhà ở thật sự của người dân còn lớn sẽ tạo tiềm năng bất động sản phát triển. |
Theo Lê Thanh
Tuổi Trẻ