Giá cà phê trong nước “xuyên thủng” mốc 80.000 đồng/kg, xuất khẩu kỳ vọng lập “đỉnh” mới

Giá cà phê nhân xô tại vườn trồng ở các tỉnh Tây nguyên đã lần đầu chạm mốc kỷ lục 80.000 đồng vào giữa tháng 2/2024 và từ đó vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ. Theo hệ thống cập nhật giá cà phê của công ty TNHH Cà phê Y5, đến sáng ngày 20/02/2024, giá cà phê trong nước đã vượt mốc 82.000 đ/kg, tăng 14.000 đồng/kg so với ngày 01/01/2024…

Thiếu hụt nguồn cung cà phê, đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn hàng tại Việt Nam là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy giá tăng. Trong khi đó trên thị trường thế giới trước bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều người tiêu dùng chuyển từ cà phê Arabica (giá cao) sang mua cà phê Robusta (giá thấp hơn), đã khiến tiêu thụ cà phê Robusta – sản phẩm sản xuất chủ yếu tại Việt Nam tăng cao.

LIÊN TỤC LẬP ĐỈNH GIÁ MỚI

Trên các sàn thương mại cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 19/2/2024), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ ba. Cụ thể: kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 49 USD, lên 3.280 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 31 USD, lên 3.172 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York không thay đổi. Do thị trường này đóng cửa nghỉ Lễ tri ân các đời Tổng thống Mỹ (President’ Day).

Giá cà phê Robusta tiếp nối đà tăng khi giao dịch một mình do thị trường được hỗ trợ tiếp tục bởi những lo ngại về nguồn cung từ các nước sản xuất chính ở châu Á, nhà kinh doanh tiếp tục đẩy giá chênh lệch (Dif.) lên cao mới mua được hàng. Trong khi đó diễn biến giá cà phê được nhận định là chịu tác động của “Ngày thông báo đầu tiên” (FND).

“Ngày thông báo đầu tiên (FND), với New York là ngày 21/02 và với London là ngày 26/02 đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ buộc phải cân đối vị thế ròng để giảm thiểu rủi ro khiến giá cà phê kỳ hạn biến động mạnh trong mây phiên vừa qua do đã “quá mua” trước đó”.

Theo ICE – Europe.

Trong giao dịch hàng hóa phái sinh, Ngày First Notice Day – Ngày thông báo đầu tiên là ngày mà thông báo đầu tiên cho việc giao dịch hàng thực. Nghĩa là, trước ngày thông báo đầu tiên các Nhà giao dịch cá hay tổ chức cần phải đóng vị thế cho việc nếu không thực hiện giao nhận hàng thực. Còn các Nhà giao dịch giao nhận hàng thực có thể tiếp tục giữ vị thế tới ngày giao nhận hàng.

Trong tuần 7 của năm 2024 (từ 12-18/2/2024), báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng nhẹ trên mức dự kiến đã khiến suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm cắt giảm lãi suất cho tới tháng 6 năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn tăng vọt đã làm hầu hết giá cả hàng hóa tăng theo.

Trong khi đó, giá cà phê tăng còn chịu tác động từ tồn kho giảm. Dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE – Europe cho thấy tồn kho cà phê Robusta do sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Sáu (ngày 16/02) đã giảm 5.050 tấn, tức giảm 20,09 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 20.090 tấn (khoảng 334.833 bao, bao 60 kg), mức thấp kỷ lục mới, sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cà phê Robusta trong ngắn hạn, trong bối cảnh nguồn cung Robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắt và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính vẫn còn hiện tượng kháng giá.

Cũng theo Dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE – Europe ngày hôm qua, thứ Hai (ngày 19/02), tồn kho cà phê tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục ở 19.800 tấn (khoảng 330.000 bao, bao 60 kg), mức thấp từ năm 2014 do báo cáo cho thấy hoạt động mua bán tại Việt Nam bị chậm lại vì kỳ nghỉ Tết Cổ truyền kéo dài. Trong khi đó, thị trường Brasil vẫn ổn định do thiếu vắng New York, giá tăng nhẹ tại các trung tâm thương mại cà phê chính của đất nước do hoạt động mua bù sau kỳ nghỉ lễ hội Carnival, tỷ giá đồng Reais tăng nhẹ 0,28% lên ở mức 1 USD = 4,9860 R$ đã hỗ trợ xu hướng giá tăng.

Tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp thu mua cà phê liên tục tăng giá chào mua cà phê nhân xô nguyên liệu, đã khiến giá cà phê nhân  xô tại các vườn trồng ở Tây Nguyên mỗi ngày lập một đỉnh giá mới. Cụ thể, giá cà phê nhân xô ở ngưỡng 60.000 đồng/kg vào đầu tháng 12/2023, đã lên mốc kỷ lục 70.000 đồng/kg vào đầu tháng 1/2024, lập mốc lịch sử 80.000 đồng/kg vào ngày 15/2/2024. Đến sáng 20/2/2024, cà phê nhân xô tại Tây Nguyên được các doanh nghiệp thu mua với giá 81.300 – 82.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 1.100 đồng so với ngày 19/2/2024.

Như vậy so với cách đây một năm, giá cà phê nội địa tính hiện đã cao hơn gấp đôi so với mức giá 39.000 đồng/kg của tháng 2/2023. Hơn thế, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới cũng tăng khoảng 80% so với thời điểm giá đạt 1.900 USD/tấn vào đầu năm trước.

XUẤT KHẨU CÀ PHÊ KỲ VỌNG KIM NGẠCH TRÊN 4,5 TỶ USD

Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,61 triệu tấn, giảm 9,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng mạnh, nên kim ngạch vẫn tăng 3,1%, lên mức cao kỷ lục mới là 4,18 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 2.604 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.

Trước số liệu tích cực của ngành cà phê trong năm 2023 và tháng 1/2024, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định: Năm vừa qua, ngành cà phê Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế về giá để viết tiếp lịch sử kim ngạch xuất khẩu năm thứ hai, đã giúp cà phê là một trong số ít mặt hàng đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu của cả nước trong năm 2023. Hiện nay, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ sẽ tạo động lực rất lớn cho giá cà phê trong năm 2024. Giá Robusta trên thị trường thế giới nói chung và giá cà phê Việt Nam nói riêng vẫn còn dư địa để duy trì mức giá cao, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024.

“Trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt tới 210.000 tấn, tăng 48% về lượng; kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD tăng 99,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023”.

Tổng cục Hải Quan.

Trong hai tháng đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng cao là lợi thế với các nước xuất khẩu như Việt Nam. Theo ghi nhận từ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá Robusta hợp đồng tháng 2/2024 ở mức 3.435 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 28 năm.

MXV cho rằng lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên thị trường, tiếp tục là yếu tố then chốt giúp giá cà phê tiếp cận những vùng đỉnh mới.

Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 10% so với vụ trước. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng tại hai quốc gia cung ứng lớn khác là Brazil và Indonesia cũng giảm lần lượt 6,2% và 8% so với niên vụ 2022/23.

Bên cạnh lợi thế về giá, khả năng làm chủ thị trường xuất khẩu cà phê, đặc biệt là Robusta trong những tháng đầu năm 2024 sẽ đưa đến ưu thế kép trong quá trình gia tăng giá trị xuất khẩu. Indonesia dự kiến vẫn thu hẹp hoạt động xuất khẩu, đồng thời dư lượng cho cung ứng cà phê trong nửa đầu năm 2024 của Brazil giảm dần sau khi ồ ạt bán hàng trong nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, cà phê của Việt Nam đang ở thời điểm dồi dào nguồn cung nhất trong năm khi hoạt động thu hoạch dự kiến kết thúc vào khoảng cuối tháng 1/2024.

Như vậy, mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu cà phê trong năm nay đang được xây dựng trên nền tảng khá tốt. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn cần những chiến lược xuất khẩu thận trọng để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có và duy trì được thành quả một cách lâu dài. Đồng thời, phát triển những lợi thế hiện tại để giữ chân người dân với cây cà phê trong bối cảnh những giống cây mới đang xâm chiếm như sầu riêng hay chanh leo.

Kỳ vọng giá cà phê nửa đầu năm 2024 tiếp tục neo ở mức cao, là một bước đệm tương đối tốt cho mục tiêu giá trị xuất khẩu cà phê vượt 4 tỷ USD năm thứ ba liên tiếp. Thậm chí có thể kỳ vọng vào mốc kim ngạch 4,5-5 tỷ USD.

Theo Vneconomy