Giá USD lên cao, tỉ giá diễn biến ‘khá lạ’

Tỉ giá thường khá ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên bối cảnh của năm 2024 có nhiều khác biệt, theo quan sát từ chuyên gia.

Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 2-3 là 24.002 đồng/USD, tăng 116 đồng (tương đương 0,5%) kể từ đầu năm đến nay.

Với mức giảm có thời điểm hơn 1%, đồng Việt Nam vẫn được coi là đồng tiền mạnh nếu so sánh với đồng tiền khác của các quốc gia trong khu vực.

Tỉ giá nóng lên, áp sát đỉnh đã lập năm 2022

Giá USD mua vào, bán ra tại Vietcombank đang ở mức 24.440 – 24.810 đồng, tăng 315 đồng (1,3%) so với đầu năm. Còn tại Eximbank, giá USD mua vào – bán ra cuối tuần lần lượt 24.410 – 24.800 đồng/USD, tăng 340 đồng so với đầu năm.

Có những thời điểm “căng thẳng”, mỗi USD bán ra tại ngân hàng thương mại còn tiến về mức cao nhất từng thiết lập hồi năm 2022 (24.876 đồng). Như hôm 26-2, USD/VND được Vietcombank niêm yết hai chiều 24.470 – 24.840 đồng.

Trên thị trường tự do, giá mua vào và bán ra USD duy trì vượt mốc 25.000 đồng từ giữa tháng 2 đến nay. Ngày 3-3, giá 1 USD “chợ đen” mua vào – bán ra ở vùng 25.370 – 25.440 đồng, tăng 30 – 40 đồng so với phiên liền trước và khoảng 3% so với đầu năm.

Áp lực tỉ giá đợt này đến từ nhiều yếu tố, song chuyên gia vẫn cho rằng những biến động chỉ mang tính ngắn hạn.

Xu hướng tăng giá của đồng USD hơn hai tháng đầu năm nay cần đặt trong bối cảnh đi lên của đồng bạc xanh trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM – nói với Tuổi Trẻ Online.

Sự nóng lên tỉ giá đến từ đâu?

Nguyên nhân khác tác động tỉ giá đến từ cung – cầu. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

“Nhập khẩu tăng thể hiện đơn hàng phục hồi. Điều này tích cực”, ông Huân nhìn nhận. Khi đơn hàng quốc tế bắt đầu tăng trở lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng đột biến ở một số thời điểm.

Nhưng yếu tố này chỉ gây áp lực tỉ giá trong ngắn hạn và sẽ ổn định trở lại khi hàng hóa được sản xuất ra và mang đi xuất khẩu, thu về ngoại tệ.

Ngoài ra, khi giá vàng tăng mạnh trở lại với đà chênh lớn so với giá thế giới cũng gây áp lực một phần lên tỉ giá. Không loại từ khả năng việc gom USD “chợ đen” để nhập vàng, vị chuyên gia nhận định.

Bà Hoàng Thị Mỹ Liên – trưởng phòng phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) – cho biết tỉ giá thường khá ổn định giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên bối cảnh năm 2024 có nhiều khác biệt, đáng kể nhất lãi suất chênh lệch giữa USD và VND đang ở mức âm trong suốt giai đoạn qua.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thanh toán các khoản vay nước ngoài và hoạt động kết chuyển lợi nhuận về nước sở tại cũng là yếu tố góp phần.

Tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới, theo chuyên gia PHS.

Tuy nhiên, bà Liên vẫn cho rằng “VND là đồng tiền mạnh nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, với mức giảm 1,5%”. Đồng baht của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi giảm tới 5%, kế đến là Malaysia ringgit (-3,8%), đồng won Hàn Quốc (-3,1%). Riêng Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng giá so với USD (0,4%).

Một số chuyên gia khuyến nghị nên đa dạng hóa rổ tiền tệ được sử dụng để đưa ra tỉ giá trung tâm. Việc neo tỉ giá theo USD trên thực tế sẽ khiến cho giá trị của VND bị thay đổi theo hướng bất lợi cho xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh giá trị của đồng USD tăng lên do các chính sách đối phó với lạm phát của Fed.

Theo Tuổi trẻ