Lạm phát châu Âu xuống thang, ECB sắp giảm lãi suất?

Tuy nhiên, việc lạm phát giảm chậm hơn dự kiến có thể ủng hộ các quan chức có lập trường cứng rắn của ECB – những người cho rằng không nên vội hạ lãi suất…

Lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tiếp tục giảm trong tháng 2, củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, việc lạm phát giảm chậm hơn dự kiến có thể ủng hộ các quan chức có lập trường cứng rắn của ECB – những người cho rằng không nên vội hạ lãi suất.

Số liệu do cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của eurozone tăng 2,6% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn so với mức dự báo tăng 2,5% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg. CPI lõi – chỉ số không tính đến hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn về giá cả là thực phẩm và năng lượng – tăng 3,1%, cũng cao hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

LÃI SUẤT ECB SẼ GIẢM VÀO THÁNG 6?

Dù vậy, sự giảm tốc của lạm phát tiếp tục hiện hữu tại hầu khắp 20 quốc gia thành viên eurozone, trong bối cảnh “cơn sốt” giá năng lượng dịu đi và nền kinh tế khu vực có nhiều dấu hiệu đuối sức. Trong tuần vừa rồi, một loạt nền kinh tế lớn nhất khối gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha đều báo cáo lạm phát giảm. Riêng Italy cho biết tốc độ lạm phát đi ngang trong tháng 2.

Sau báo cáo lạm phát của eurozone, thị trường tài chính gần như vẫn giữ nguyên kỳ vọng về thời điểm và lượng cắt giảm lãi suất của ECB trong năm nay. Theo đó, ECB được cho là sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6. Dù vậy, khả năng này đã giảm còn khoảng 80% từ mức gần như chắc chắn vào đầu tuần trước.

Dữ liệu lạm phát mới nhất của eurozone được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ECB có cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo. Giới chuyên gia dự báo lãi suất cơ bản của ECB sẽ được giữ ở mức cao kỷ lục 4% lần thứ tư liên tiếp trong cuộc họp này. Các quan chức ECB đang chủ trương có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, mặc dù một số vị ủng hộ việc hành động sớm hơn.

Một số chính trị gia châu Âu cũng muốn việc cắt giảm lãi suất diễn ra sớm hơn do nền kinh tế của nước họ đang gặp khó khăn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Bồ Đào Nha Fernando Medina là người mới nhất lên tiếng về vấn đề này, nói với Bloomberg rằng có “rủi ro cao” trong việc ECB duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Phát biểu hôm thứ Năm tuần trước khi đang dự hội nghị quan chức tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới tại Sao Paulo, Btrazil, ông Medina nói: “Nhiều nước châu Âu đang trải qua thời kỳ suy giảm tăng trưởng kinh tế rất mạnh. Thậm chí, một số nước đã xảy ra tình trạng kinh tế trì trệ và suy thoái. Tại thời điểm này, rủi ro khi của việc giữ nguyên lãi suất còn lớn hơn rủi ro của việc bắt đầu quá trình giảm lãi suất. Nền kinh tế đã giảm tốc đủ để hạ lãi suất rồi”.

LUỒNG QUAN ĐIỂM THẬN TRỌNG VỀ GIẢM LÃI SUẤT

Nhưng dù lạc quan rằng lạm phát đang giảm về mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách ECB vẫn lo ngại rằng xu hướng tăng lương và chi phí nhân công có thể gây ra áp lực lạm phát trong thời gian lâu hơn. Dù tăng trưởng kinh tế suy yếu, thị trường việc làm ở eurozone vẫn trong tình trạng thắt chặt. Một báo cáo khác của Eurostat cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực vẫn ở mức thấp kỷ lục 6,4% trong tháng 1.

“Chúng tôi đã theo dõi dữ liệu lạm phát của châu Âu nói chung và các quốc gia nói riêng, và thấy các dữ liệu đó đã xác nhận quan điểm của tôi rằng cần phải chờ đợi, phải thận trọng và không thể vội vàng đưa ra quyết định” giảm lãi suất – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo Robert Holzmann phát biểu hôm thứ Sáu.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói “quá trình giảm phát hiện tại được dự báo ​​sẽ tiếp tục”, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm về mục tiêu một cách bền vững.

Các nhà phân tích cũng lo ngại rằng dữ liệu lạm phát mới nhất đã che đậy sự gia tăng của chỉ số lạm phát tính theo cơ sở tháng – những con số không bị bóp méo bởi biến động của chi phí năng lượng, yếu tố dẫn tới sai lệch khi so sánh trên cơ sở năm.

Trong khi đó, một số quan chức ECB cho rằng lạm phát có thể giảm về hoặc thậm chí thấp hơn 2% trong năm nay – sớm hơn nhiều tháng so với kỳ vọng đưa ra ​​​​trong cập nhật dự báo mới nhất của ECB vào tháng 12 năm ngoái. ECB sẽ có đợt cập nhật dự báo kinh tế tiếp theo trong cuộc họp vào tuần tới, và giới phân tích kỳ vọng cơ quan sẽ điều chỉnh giảm nhẹ các dự báo về lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras nhận định “bộ dữ liệu gần đây cho thấy chúng ta sẽ đạt mục tiêu lạm phát 2% vào mùa thu năm nay”. Người đồng cấp Bồ Đào Nha của ông Stournaras là ông Mario Centeno cho rằng sau khi giảm về mục tiêu, lạm phát trong eurozone “sẽ dao động quanh mức 2%, và đó là điều chúng tôi mong muốn”.

Nhưng dù đưa ra nhận định tương đối mềm mỏng về lạm phát, ông Stournaras lại cùng quan điểm với các đồng nghiệp cứng rắn hơn của ông tại Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, rằng ECB sẽ không có đủ thông tin và dữ liệu để đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất trước tháng 6, nhất là dữ liệu về tiền lương.

Các chỉ số như tiền lương thoả thuận đã bắt đầu chỉ ra một hướng đi đúng cho lạm phát, nhưng một thước đo mới và có tầm nhìn dài hơn của ECB lại cho thấy chưa có bước ngoặt nào về tiền lương để có thể tin rằng lạm phát sớm đạt mục tiêu. Một số nhà phân tích thậm chí dự báo lạm phát ở eurozone có thể tăng lên trong trung hạn. Chẳng hạn, nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg dự báo áp lực tăng giá cả sẽ dần gia tăng trong năm 2025, đẩy lạm phát lên ngưỡng 2,5%.

Theo Vneconomy