Lượng tiền lớn sẽ chuyển hướng lãi suất cao?

Với tiện ích dịch vụ, hàng triệu tài khoản góp những khoản "bạc cắc" đang ngại gửi tiết kiệm qua kênh truyến thống, tích lũy qua thời gian sẽ thành những khoản tiền gửi hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh: Quang Phúc.

Chênh lệch lãi suất có được ở hướng dịch chuyển này khá lớn so với cách gửi truyền thống…

Trong một khu dân cư, có tấm biển treo, nhận chuyển hộ tiền và thanh toán các dịch vụ tiện ích. Cách làm tự phát này gắn với một xu hướng dịch chuyển đã và đang sớm đến ở dòng tiền dân cư trong hoạt động ngân hàng.

Tấm biển treo đó có trong câu chuyện của ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), khi nói về xu hướng dịch vụ ngân hàng hiện nay.

Thực tế trên ông Thắng gặp ở một tỉnh lẻ, dịch vụ nộp, chuyển hộ tiền, thanh toán hóa đơn dịch vụ qua tài khoản ngân hàng, do người dân tự phát triển khai, phục vụ những người có những món giao dịch nhỏ và không tiện hoặc ngại mất thời gian trực tiếp đến ngân hàng thực hiện.

Phó chủ tịch LienVietPostBank đặt vấn đề, giả sử một người dân có 500 nghìn đồng tiền mặt vừa bán hoa quả, không lẽ lại mất công tìm đến quầy ngân hàng để nộp vào tài khoản tiết kiệm, tích lũy dẫn. Không tiện.

Trong thực tế đời sống, nhiều người dân có những món tiền nhỏ nhàn rỗi, thậm chí vài chục triệu đồng, nhu cầu tiết kiệm tích lũy tại ngân hàng có, nhưng họ ngại đến giao dịch tại ngân hàng, cả trở ngại về mặt địa lý ở những địa bàn xa.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét và cho phép được thực hiện hình thức đại lý nhận tiền gửi như cách làm trên, chắc chắn sẽ huy động được một lượng lớn vốn nhàn rỗi trong dân cư, qua tiện ích phục vụ”, ông Thắng nói.

Như trên, một người có 500 nghìn đồng muốn “bỏ ống” vào tài khoản tiết kiệm tích lũy ở ngân hàng, nhờ người treo tấm biển trên ở trong xóm “bắn” luôn sang tài khoản rồi gửi tiết kiệm, hoặc thanh toán tiền điện nước, cước điện thoại… với mức phí chấp nhận được. Bù lại, ngân hàng sẽ ưu đãi khi khách hàng sử dụng dịch vụ tiện ích.

Cuối tuần qua, LienVietPostBank đưa ra sản phẩm tiết kiệm và cho vay trực tuyến qua Ví Việt, một phần mềm dịch vụ tích hợp trên điện thoại thông minh. Lãi suất cao hơn hẳn so với thông thường, nhận gửi từng món tiền chỉ từ 500 nghìn đồng.

Trong hệ thống hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã triển khai dịch vụ tiết kiệm trực tuyến này và cũng sẵn sàng huy động tiết kiệm từng món nhỏ lẻ.

Theo đó, thay vì quan ngại mất công và thời gian đến gửi tại quầy như cách truyền thống, dòng tiền nhàn rỗi “bạc cắc” này dễ dàng và nhanh chóng chuyển thành tiền gửi tiết kiệm qua vài thao tác.

Với ngân hàng, hàng triệu tài khoản góp những khoản “bạc cắc” đó, tích lũy qua thời gian sẽ thành những khoản tiền gửi hàng nghìn tỷ đồng.

Và khi trở thành tiền gửi tiết kiệm, cơ cấu vốn thêm ổn định để cân đối sử dụng vốn, thanh khoản cho hệ thống.

Hàng nghìn tỷ đồng được dự báo sẽ dịch chuyển theo tiện ích trên. Đáng chú ý hơn, nó được kích thích bằng chính sách lãi suất cao.

Cụ thể, những năm qua, nhiều ngân hàng thương mại áp chính sách phổ biến gửi tiết kiệm trực tuyến luôn có lãi suất cao hơn 0,1%/năm so với gửi truyền thống tại quầy. Nhưng gần đây, để kích thích dịch vụ và thúc đẩy giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt, một số thành viên đã áp chênh lệch lãi suất cao hơn nhiều.

Như tại LienVietPostBank, gửi tiết kiệm trực tuyến, khách hàng đã được lãi suất lên tới 5,5%/năm kỳ hạn 1 tháng, trong khi gửi tại quầy thông thường chỉ được 5%/năm. Tương tự, ở kỳ hạn 6 tháng được tới 7%/năm thay vì chỉ 6,2%/năm gửi tại quầy; kỳ hạn 12 tháng được 7,7%/năm so với 7,1%/năm; kỳ hạn 36 tháng lên tới 8%/năm so với 7,4%/năm.

Với chênh lệch lãi suất đang hấp dẫn lên, những người gửi tiết kiệm qua kênh truyền thống giao dịch tại quầy đã sẵn có tài khoản tại ngân hàng, chỉ cần đăng ký thêm dịch vụ tiết kiệm trực tuyến, cài đặt thêm phần mềm tích hợp trên điện thoại, đến kỳ đáo hạn chỉ cần vài thao tác chuyển đổi là được hưởng lãi suất cao hơn.

Xu hướng dịch chuyển về lãi suất cao như trên sẽ mở rộng, gắn với lượng tiền gửi tiết kiệm lớn và trở thành một dòng chảy chính trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam tới đây, nhất là khi cạnh tranh dịch vụ ngày càng cao.

Với tiện ích và chiến lược gom “bạc cắc” qua tiện ích nói trên, ngân hàng cũng bắt đầu tạo thêm tiện ích đối ứng có lợi cho cả hai phía.

Trường hợp người dân lỡ gửi tiết kiệm những khoản nhàn rỗi và có nhu cầu dùng tiền đột xuất, ngân hàng cũng linh hoạt cho vay thế chấp chính khoản tiết kiệm đó và cũng dễ dàng thực hiện ngay trên điện thoại.

Hiện còn ít ngân hàng triển khai tiện ích cho vay như trên, nhưng đây cũng sẽ là xu hướng dự báo sẽ sớm mở rộng. Mà bước đầu, để kích thích dịch vụ, mức lãi suất cho vay cũng khá mềm.

Như tại LienVietPostBank, lãi suất cho vay loại này chỉ tính chênh 1%/năm so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến khoản dùng để cầm cố. Trong khi vay cầm cố qua kênh truyền thống tại quầy, mức chênh các ngân hàng áp phổ biến là 1,5-2,5%/năm tùy kỳ hạn.

Theo Minh Đức

VnEconomy