Mất 10 năm để khắc phục ‘hàng tồn kho’ bất động sản Trung Quốc

Trung Quốc đang đối mặt viễn cảnh điều chỉnh kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, với lượng nhà ở dư thừa có thể phải mất hơn 10 năm mới giải quyết được.

“Nếu nhìn vào tình trạng hàng tồn kho – với tốc độ bán hàng hiện nay – sẽ mất khoảng 2 năm để giải quyết. Và nếu nhìn vào 6 triệu m² nhà ở đang được xây dựng, có lẽ sẽ phải mất hơn 10 năm để giải phóng hết số nhà” – ông Hao Hong, nhà kinh tế trưởng của GROW Investment Group, nói với đài CNBC ngày 4-1.

Tăng trưởng doanh số bán nhà và giá nhà vẫn chậm chạp do các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng.

“Tại thời điểm này, mọi người phải làm quen với ý tưởng có thể mất nhiều thời gian hơn để giải quyết hết hàng tồn kho. Đồng thời, phải tìm ra những điểm tăng trưởng mới để thúc đấy nền kinh tế, thay vì chỉ dựa vào lĩnh vực bất động sản và đầu tư bất động sản để tăng trưởng”, ông nói.

Ông Hong cho biết một số chuyên gia thị trường không mong đợi việc điều chỉnh tài sản sẽ kéo dài quá lâu. Trong những đợt suy thoái kinh tế trước đây, lĩnh vực bất động sản sẽ phản ứng nhanh chóng với các biện pháp kích thích và phục hồi sau 2 hoặc 3 quý tìm thấy đáy.

“Lần này, theo chúng tôi thấy, có vẻ lĩnh vực bất động sản đã đạt đỉnh và chu kỳ dài đang đi xuống. Kết quả niềm tin và phản ứng của thị trường đang bị tổn hại do sự thiếu chuẩn bị”, ông Hong nhấn mạnh.

Bất chấp nhiều biện pháp hỗ trợ, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc nói chung.

Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương tháng 12-2023, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ giảm bớt rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nợ địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ, đồng thời báo hiệu sẽ có chiến lược xây dựng nhà ở giá rẻ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã gia hạn khoản vay 350 tỉ nhân dân tệ (49 tỉ USD) với các ngân hàng chính sách để cho vay bổ sung.

Đây là mức tăng hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 11-2022, khi Chính phủ Trung Quốc sử dụng công cụ này để thúc đẩy nền kinh tế trong đại dịch COVID-19, làm dấy lên kỳ vọng Ngân hàng trung ương có thể hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và lĩnh vực nhà ở đang suy yếu để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Tuổi trẻ