Nguy cơ khủng hoảng lương thực khi Nga không gia hạn Thỏa thuận Biển Đen

Việc Nga chưa đồng ý gia hạn Thỏa thuận Biển Đen khiến viễn cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu một lần nữa gần hơn bao giờ hết.

Theo Hãng tin Reuters, chuyến tàu cuối cùng nằm trong Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã rời cảng Odessa (Ukraine) vào ngày 16-7, ngay trước khi thỏa thuận này hết hạn vào cuối ngày 17-7.

Được ký kết ngày 22-7-2022, thỏa thuận nói trên đã thiết lập một hành lang nhân đạo đảm bảo an toàn cho các tàu vận chuyển lương thực từ Ukraine đi qua Biển Đen.

Theo báo South China Morning Post, từ khi ký kết, Thỏa thuận Biển Đen đã đảm bảo việc xuất khẩu của 32 triệu tấn ngũ cốc đến 45 quốc gia thuộc 3 châu lục.

Do đó thỏa thuận này còn được xem là “phao cứu sinh cho an ninh lương thực”.

Tuy nhiên, dù đã đến ngày cuối cùng của thỏa thuận, Matxcơva vẫn chưa đồng ý tiếp tục gia hạn thỏa thuận, mang đến nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Xe chở ngũ cốc từ Ukraine xuống hàng tại một nhà kho ở Ba Lan – Ảnh: AP

Bất chấp chiến tranh, Nga và Ukraine vẫn là hai trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Biển Đen đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng này khi có đến 90% số lương thực Ukraine bán ra nước ngoài được xuất qua đường biển này.

Theo ông Julia Bereshchenko – người phụ trách việc phát triển kinh doanh bền vững của một trong những công ty nông nghiệp lớn nhất Ukraine, số hàng hóa được xuất qua Biển Đen trong tháng 1-2022 lên đến 7,3 triệu tấn. Đây chính là mốc ngay trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine bắt đầu vào ngày 24-2-2022.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã giúp số hàng hóa này tiếp tục được xuất cảng, dù giảm xuống chưa tới 2 triệu tấn mỗi tháng.

Nếu thỏa thuận không được gia hạn, tàu bè qua Biển Đen không được bảo vệ, con số này có thể sẽ về 0.

Trong khi đó, các phương án vận chuyển thay thế cũng không thật sự hữu hiệu.

Ukraine chỉ có thể vận chuyển 1 triệu tấn lương thực mỗi tháng bằng đường tàu hỏa, một con số rất khiêm tốn.

Không chỉ thế, việc hạ tầng đường sắt của Ukraine không tương thích với các nước xung quanh như Ba Lan và Romania cũng làm chậm đáng kể quá trình vận chuyển.

Chi phí vận tải nông sản Ukraine trên bộ rơi vào khoảng 100 USD/tấn, hơn gấp đôi vận tải đường biển.

Nếu không tìm được con đường xuất hàng thay thế, một lượng lớn nông sản Ukraine sẽ không thể xuất ra nước ngoài.

Lạm phát giá lương thực tăng cao

Châu Á hiện đang là điểm đến của khoảng 1/4 hàng xuất khẩu của Ukraine qua đường biển. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu là ngô đến Trung Quốc cùng lúa mì, hạt hướng dương và đậu nành đến Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và nhiều quốc gia khác.

Nếu Thỏa thuận Biển Đen không gia hạn, nhiều quốc gia châu Á đang chịu ảnh hưởng El Nino sẽ lĩnh đòn nặng nề. Dưới tác động của El Nino, lượng mưa của nhiều nước đang giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng trồng trọt.

Tại Thái Lan, lượng mưa năm nay dự kiến giảm đến 10% so với thông thường.

Nắng nóng tại Ấn Độ cũng làm giảm nghiêm trọng sản lượng lúa mì của nước này. Nhà bình luận chính sách độc lập G Chandrashekhar dự đoán sản lượng thu hoạch năm nay của Ấn Độ có thể chỉ đủ cho nhu cầu trong nước.

Nếu không có nông sản Ukraine, tình hình thiếu lương thực tại các nước trên sẽ trầm trọng hơn, khiến giá lương thực neo cao.

Vì sao Nga chưa chịu gia hạn thỏa thuận?

Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh việc yêu cầu phương Tây thực hiện các cam kết với Nga trong Thỏa thuận Biển Đen.

Các biện pháp trừng phạt với lương thực xuất khẩu của Nga vẫn chưa được gỡ bỏ, trong khi ngân hàng nông nghiệp quốc doanh của Nga cũng chưa được kết nối với hệ thống chuyển tiền toàn cầu SWIFT.

Ở chiều ngược lại, các nước phương Tây lại đang hưởng lợi rất nhiều từ thỏa thuận này. Theo báo New York Times, có đến 90% ngô và 60% lúa mì Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen đến các nước có thu nhập cao hoặc trung bình.

Trong khi đó, các quốc gia khó khăn như Ethiopia, Sudan và Afganishtan lại chỉ nhận một phần nhỏ số hàng hóa xuất ra.

Theo Tuổi trẻ