Nhà đầu tư chiến lược ngoại: Rào cản hay động lực của ngân hàng nội?

Ngân hàng

Các cổ đông chiến lược nước ngoài từng được nhiều ngân hàng nội kỳ vọng sẽ mang lại động lực tăng trưởng, những cuộc chia tay gần đây đang cho thấy điều gì?

Cuối tháng Tám vừa qua, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã gửi thông báo xin ký kiến tới các cổ đông về việc quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã đề nghị cổ đông thông qua việc tạm thời khóa tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 0%. Tất nhiên, các cổ đông cũng được đề nghị chấp thuận ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài theo từng thời kỳ, nhưng không vượt quá 30% vốn điều lệ theo quy định của nhà nước.

Thoái vốn

Động thái trên của Techcombank diễn ra sau khi ngân hàng này quyết định mua lại toàn bộ 15% tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược HSBC làm cổ phiếu quỹ, mở đường cho HSBC thoái toàn bộ vốn khỏi ngân hàng sau 12 năm gắn bó. Nếu xét về mức giá mua bán cổ phiếu, sau 12 năm ròng rã đầu tư vào Techcombank, HSBC đã chịu lỗ khoảng 440 tỷ đồng.

Như vậy, với HSBC, Techcombank có thể là một khoản đầu tư thua lỗ. Còn với Techcombank thì sao? Ngân hàng này từng kỳ vọng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có tên tuổi và kinh nghiệm như HSBC sẽ đưa Techcombank lên một tầm cao mới. Đúng là sau khi HSBC đầu tư vào Techcombank, ngân hàng này đã có những thay đổi lớn, vươn lên thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất cả nước. Thế nhưng có phải là nhờ sự đóng góp của HSBC không? Một cựu lãnh đạo cao cấp của Techcombank trong thời kỳ đó chia sẻ rằng, những đóng góp của cổ đông chiến lược cho một ngân hàng nội không nhiều lắm. “Chúng ta đang coi họ là những nhà đầu tư, là người đến để “cứu” chúng ta. Có vẻ như chúng ta quá kỳ vọng vào họ”, ông nói.

Techcombank không phải là ngân hàng nội duy nhất chia tay với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Năm 2013, Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) cũng đã thoái toàn bộ 15% vốn điều lệ đang nắm giữ tại VPBank, sau 5 năm là nhà đầu tư chiến lược.

Một ngân hàng khác là Standard Chartered Bank cũng đang có kế hoạch rút vốn khỏi ACB, chấm dứt một thập kỷ nắm giữ 15% vốn tại đây với tư cách là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tại kỳ đại hội đồng cổ đông tháng Ba vừa qua, đại diện lãnh đạo ACB cũng đã trả lời các cổ đông rằng, tới thời điểm này, ACB không thấy cần thiết phải có sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài nữa.

Còn với VPBank, trong vài tháng qua ngân hàng này cũng đã tiến hành một đợt huy động vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, khiến tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại tăng từ 0% lên hơn 22% chỉ trong vòng 4 tháng vừa qua, từ tháng Ba tới tháng Bảy. Nhưng tuyệt nhiên không có một nhà đầu tư ngoại nào có tỷ lệ sở hữu lớn để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Tỷ lệ 22% vốn điều lệ đó được chia cho khoảng 70 nhà đầu tư ngoại. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc của VPBank chia sẻ rằng, VPBank không có ý định tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nữa.

Lạc điệu

Quay trở lại thời điểm cách đây khoảng một thập kỷ, có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài gần như là một một mục tiêu mà nhiều ngân hàng nội hướng tới. Nhưng ở thời điểm hiện tại có thể dễ dàng nhận thấy đó không còn là “mốt” nữa.

Ở trường hợp của HSBC và Standard Chartered Bank, nhận xét trên không phải là không hợp lý. Sau khi hai ngân hàng từ Anh này thành lập ngân hàng con tại Việt Nam, sự đóng góp với vai trò nhà đầu tư chiến lược của họ tại Techcombank và ACB không còn lớn nữa. Nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu HSBC và Standard Chartered Bank đóng góp lớn vào Techcombank và ACB thì hóa ra họ lại tự đi cạnh tranh với chính ngân hàng con của mình tại Việt Nam! Với sự thận trọng và mục tiêu riêng ở thị trường Việt Nam như vậy, những gì mà ngân hàng nội học được từ các nhà đầu tư chiến lược như HSBC hay Standard Chartered Bank có thể không nhiều.

Nhưng điều quan trọng hơn khiến các ngân hàng nội không còn mặn mà với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là sự bất đồng trong lựa chọn đường lối phát triển.

Chính sự bất đồng trong chiến lược phát triển đã khiến OCBC chia tay VPBank vào năm 2013. Nhớ lại thời điểm đó, ông Vinh kể lại rằng, VPBank định hướng sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay tín chấp trong mảng bán lẻ. Vì ban lãnh đạo của ngân hàng hiểu rằng, vốn đầu vào của ngân hàng lúc đó không nhiều, do không cạnh tranh được với các ngân hàng lớn, nên chấp nhận đi vào phân khúc rủi ro để tìm kiếm đầu ra tốt hơn, lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, OCBC kiên quyết phản đối, dẫn tới việc OCBC rút hoàn toàn khỏi VPBank.

Ông Vinh cho rằng các ngân hàng lớn nước ngoài muốn đi chậm và chắc, còn ngân hàng nhỏ trong nước thì phải chạy thật nhanh. Chính sự khác nhau về quan điểm này, nếu kết hợp lại sẽ khiến ngân hàng nội bị chậm chân hơn trên thị trường.

Và đúng là nếu như đi theo con đường của OCBC, VPBank chưa chắc có được vị thế như ngày hôm nay. Nhờ tập trung vào mảng cho vay tín chấp với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, cùng với việc lập ra công ty tài chính FE Credit, ngân hàng này đã vươn lên trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, với mức lãi hợp nhất đạt 4.900 tỷ năm 2016 và dự kiến khoảng 7.000 tỷ trong năm 2017.

Không còn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, VPBank đã cho thấy một ngân hàng nội có thể đi nhanh hơn rất nhiều. Trong khi đó, các ngân hàng có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như Techcombank, ACB, VIB hay ABBank thì đang bị tụt lại dần ở phía sau.

“Tôi cho là các ngân hàng đa quốc gia quá lớn nên rất khó để thâm nhập vào một thị trường nhỏ như Việt Nam. Bản thân họ cũng đang gặp phải các vấn đề lớn của riêng họ và phải điều chỉnh chiến lược. Tôi không cho rằng họ là đối thủ lớn cạnh tranh trên thị trường Việt Nam”, ông Vinh nói.

Theo Cafef