Nhà làm phim Sơn Tinh, Thủy Tinh cần nộp phí tác quyền cho… Cục Di sản văn hóa?

Theo đề xuất của PGS.TS Trần Văn Hải, nhà làm phim Sơn Tinh, Thủy Tinh từ truyền thuyết cùng tên có nghĩa vụ trả tác quyền là phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa cho cơ quan đại diện cho chủ sở hữu là Cục Di sản văn hóa.

Đây là đề xuất của ông Trần Văn Hải (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về tác quyền được đưa ra tại hội nghị – hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 13-11 tại Hà Nội và trực tuyến tới 44 điểm cầu trong cả nước.

Phim Aladdin và cây đèn thần của Mỹ cũng không trả tác quyền cho người Trung Đông
Ông Hải lập luận theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay thì cộng đồng nơi di sản văn hóa phi vật thể được sáng tạo, thực hành và lưu truyền không thể thu lợi nhuận khi người khác khai thác di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Hải lấy ví dụ, Aladdin và cây đèn thần là một trong những truyện đặc sắc nhất trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm của vùng Trung Đông. Cộng đồng cư dân vùng Trung Đông đã sáng tạo, thực hành và lưu truyền Aladdin và cây đèn thần.

Ngày 24-5-2019, tại Mỹ, đạo diễn Guy Ritchie công bố bộ phim Aladdin và cây đèn thần là chuyển thể từ truyện Aladdin và cây đèn thần.

Bộ phim rất thành công với nhiều giải thưởng, cũng như thành công về doanh thu. Theo ông Hải, thống kê ngày 13-9-2023 bộ phim này đã đạt mức lợi nhuận là 322,6 triệu USD.

Theo Công ước Berne, khi truyện cổ Aladdin và cây đèn thần được công bố tại Iran thì ngay lập tức và vô điều kiện, tất cả các quốc gia thành viên Công ước Berne (trong đó có Hoa Kỳ) phải bảo hộ nó.

Nhưng trong thực tế, cộng đồng cư dân vùng Trung Đông, những người đã sáng tạo, thực hành và lưu truyền Aladdin và cây đèn thần không được hưởng lợi nhuận từ bộ phim phái sinh từ truyện này.

Tại Việt Nam, hiện nay các đài truyền hình phát sóng các tiết mục trình diễn hát xoan – một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng cộng đồng sở hữu di sản là người dân Phú Thọ lại không hề được hưởng quyền tài sản.

Nguyên do là vì Luật Sở hữu trí tuệ chưa quy định người khác khai thác di sản văn hóa phải trả phí khai thác, sử dụng cho cộng đồng sở hữu di sản.

Phim Sơn Tinh, Thủy Tinh cũng nên trả phí tác quyền cho cộng đồng

Vì vậy, ông Hải đề xuất điều 4 của Luật Di sản văn hóa sửa đổi cần quy định cộng đồng nơi di sản văn hóa được sáng tạo, thực hành và lưu truyền chính là chủ sở hữu của di sản văn hóa đó và phải được hưởng quyền tài sản với di sản văn hóa bên cạnh quyền nhân thân.

Trong số các quyền tài sản đối với di sản văn hóa ông Hải đề xuất có quyền hưởng lợi nhuận từ việc cho phép người khác làm tác phẩm phái sinh từ di sản văn hóa.

Ông Hải lấy ví dụ về thực thi quyền hưởng lợi nhuận từ việc cho phép người khác làm tác phẩm phái sinh từ di sản văn hóa: Victor Vũ và nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chuyển thể thần thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh thành tác phẩm điện ảnh.

Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh thuộc di sản văn hóa do Nhà nước là chủ sở hữu. Nhà sản xuất bộ phim Sơn Tinh, Thủy Tinh có nghĩa vụ trả phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa này cho Cục Di sản văn hóa là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu đối với di sản văn hóa do Nhà nước là chủ sở hữu này.

Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về thời hạn thực thi quyền tác giả chỉ kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời theo Công ước Berne và 50 năm theo pháp luật Việt Nam, trong khi những truyền thuyết như Sơn Tinh, Thủy Tinh, di sản hát xoan… đã có từ rất lâu, ông Hải nói:

“Cộng đồng là tác giả của những di sản văn hóa phi vật thể này, mà cộng đồng thì tồn tại vĩnh viễn, bởi vậy việc bảo hộ quyền công bố và quyền tài sản đối với di sản văn hóa phi vật thể không bị giới hạn về thời gian”.

Theo Tuổi trẻ