Những dự án ma kiểu Địa ốc Alibaba thách thức thị trường bất động sản

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của năm 2019, sang năm 2020, ngoài những cơ hội, thị trường bất động sản có khả năng đối mặt với những thách thức như hệ luỵ từ công ty địa ốc Alibaba của ông Nguyễn Thái Luyện hay các tuyến metro số 1 và số 2 tiếp tục lùi tiến độ; thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp; luật thì chồng chéo, dự án địa ốc “bất động”.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, lịch sử chu kỳ bất động sản Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn và có nhiều biến động.

Cụ thể, giai đoạn 2007 – 2008, thị trường bất động sản đạt đỉnh, nền kinh tế thịnh vượng; giới đầu cơ thống lĩnh thị trường.

Bước sang giai đoạn 2009 – 2010 bắt đầu xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau, nhất là năm 2009, bị ảnh hưởng nặng nề do nền kinh tế trong nước và thế giới bất ổn dẫn đến thị trường bất động sản suy thoái và giới đầu cơ dần dần rời bỏ thị trường. Đến năm 2011-2012, thị trường bước vào thời kỳ suy yếu, nền kinh tế bị thắt chặt dẫn đến nguồn tiền mặt bị thiếu và căn hộ nhỏ được ưa chuộng vì ngân sách hạn hẹp.

Tuy nhiên, năm 2013 – 2014, thị trường được phục hồi, tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện, lãi suất thấp, sản phẩm thay đổi phù hợp với khả năng chi trả của thị trường bình dân và được phục hồi mạnh mẽ vào năm 2015 – 2016 với khối lượng bán hàng kỷ lục, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp, các chủ đầu tư địa phương ngày càng củng cố và sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, đến 2018 – 2019, thị trường lại trở về thế cân bằng, chủ đầu tư trong nước kinh nghiệm hơn và tiềm lực tài chính mạnh hơn, người mua tự tin hơn.

Thống kê về tình hình thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2019, giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung chào bán tại TP.HCM sụt giảm, đạt 21.619 căn, giảm 3%; trong khi đó, tại Hà Nội thì nguồn cung lại đạt 26.800 căn, tăng tới 37% nguồn cung chào bán mới.

“Tuy nhiên, nhìn tổng quan thị trường trong những năm gần đây thì nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng trưởng ở mức ổn định; trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp có sự tăng trưởng tốt, giúp duy trì cân cằng cho thị trường; tỷ lệ lạm phát và lãi suất cho vay được kiểm soát và duy trì ở mức ổn định”, bà Dung chia sẻ.

Hiện nay, bối cảnh kinh tế có sự tăng trưởng ổn định, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực; GDP theo đầu người ước tính năm 2019 đạt 2.720 USD (tăng 7,7%); tổng FDI (9 tháng năm 2019) đạt hơn 25 tỷ USD, trong đó FDI vào bất động sản hơn 2,5 tỷ USD, chiếm tới 10.6% tổng FDI và xếp thứ 2 sau ngành sản xuất.

Điển hình, giá bán bình quân của căn hộ trung cấp khá ổn định trong khi GDP bình quân đầu người đã tăng nhanh chóng tại Hà Nội và TP.HCM trong những năm trở lại đây… Trong khi đó, thị trường cho mua nhà vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng, nhưng lại tạo cơ hội cho tăng trưởng tương lai.

“Chẳng hạn, lãi suất cho vay mua nhà tại Việt Nam năm 2008 tới 15,8% thì đến tháng 9/2019 chỉ còn 8,4%. Điều này đã dẫn đến việc có nhiều người mua nhà tận dụng vốn vay ngân hàng hơn (40-50% tại phân khúc trung cấp và bình dân) nhờ lãi suất vừa phải và ổn định. Còn giá bán và lợi nhuận cho thuê căn hộ tăng nhanh nhưng vẫn hấp dẫn so với các nước trong khu vực”, Giám đốc cấp cao CBRE nhận định.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động, nhất là ở phân khúc căn hộ, bà Dương Thuỳ Dung cũng đưa ra những dự đoán có tín hiệu tích cực của thị trường năm 2020.

Tuy nhiên, theo bà Dung, bên cạnh những tín hiệu tích cực vẫn còn rất nhiều thách thức, giá đất tăng nhanh khiến chủ đầu tư mới khó gia nhập thị trường, theo khảo sát, giá đất tại quận 1 dao động từ 10.000 – 50.000 USD/m2, quận 3 rơi vào khoảng 5.000 – 20.000 USD/m2…; các vấn đề hạ tầng ngày càng nghiêm trọng: ngập lụt, kẹt xe, hạ tầng chậm tiến độ…

Bên cạnh đó còn có thêm nhiều thách thức mới, chẳng hạn như mới đây, nhiều công ty bán dự án “ma” kiểu Địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện bị vạch mặt hay các tuyến metro số 1 và số 2 tiếp tục lùi tiến độ; thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp; luật thì chồng chéo, dự án địa ốc “bất động”…

“Mặc dù vậy, thị trường chậm nhưng không có bong bóng; nhu cầu ở cao và các gói vay thế chấp giúp cân bằng thị trường và sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020”, bà Dương Thuỳ Dung kết luận.

Theo Danviet


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *