Quỹ bình ổn xăng dầu tăng mạnh tới hơn 7.400 tỉ đồng

Thông tin từ Bộ Tài chính báo cáo tới Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, tính đến ngày 31-7, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu lên tới 7.438 tỉ đồng.

Theo số liệu ước tính từ báo cáo của các thương nhân đầu mối, tính tới ngày 31-7, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 7.438 tỉ đồng. Do đó, nhà điều hành quyết định dừng trích lập vào quỹ này theo quy định của thông tư 103.

Đánh giá của Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước được liên bộ Công Thương – Tài chính điều hành nhất quán, phù hợp với diễn biến giá thế giới.

Tăng thu vào quỹ, chi ra nhỏ giọt

Công cụ quỹ bình ổn giá được sử dụng hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế biến động của giá trong nước so với thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Như vậy, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay khi đến hết quý 4-2022 số dư còn 4.600 tỉ đồng. Số dư tăng mạnh là do liên bộ Công Thương – Tài chính liên tục trích lập vào quỹ từ đầu năm đến nay, trong khi mức chi ra “nhỏ giọt”.

Cụ thể, 3 lần chi với RON 95-III và E5 RON 92, lần lượt 1.453 đồng và 1.321 đồng; chỉ có một lần chi với dầu diesel là 300 đồng; dầu hỏa 400 đồng và 3 lần chi với dầu mazut 700 đồng.

Việc liên tục trích lập vào quỹ bình ổn trong bối cảnh giá xăng dầu giảm đã khiến cho số dư tăng, dẫn tới nhiều ý kiến cho rằng việc can thiệp vào quỹ bình ổn khiến cho giá xăng dầu không phản ánh đúng diễn biến giá thị trường.

Mặc dù vậy, đây chưa phải là mức kỷ lục của quỹ bình ổn khi có thời điểm quỹ này có số dư lên tới trên 10.000 tỉ đồng.

Theo Bộ Công Thương, đến kỳ điều hành ngày 21-7-2023, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 21 kỳ điều hành giá. So với cùng kỳ năm 2022 (kỳ điều hành 21-7-2022), giá các mặt hàng xăng dầu giảm từ 4,97% –  23,99%.

Cụ thể, xăng RON92 ở mức 21.639 đồng/lít, giảm 13,28%, xăng RON95 ở mức 22.792 đồng/lít, giảm 12,57%, dầu hỏa ở mức 19.189 đồng/lít, giảm 23,99%, dầu diesel ở mức 19.500 đồng/lít, giảm 21,55%, dầu mazut ở mức 15.725 đồng/kg, giảm 4,97%.

Về sản xuất, theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, trong 6 tháng đầu năm, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất được 3,23 triệu tấn xăng dầu các loại, ước thực hiện tháng 7 trên 565.540 tấn xăng dầu.

Nhà máy Nghi Sơn tạm dừng bảo dưỡng tổng thể, điều chỉnh nhập khẩu để bù đắp
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 3,6 triệu tấn xăng dầu các loại, và tháng 7 là 721.000 tấn xăng dầu. Xuất khẩu xăng dầu 6 tháng đạt hơn 1,14 triệu tấn; nhập khẩu trên 5,12 triệu tấn.

Theo kế hoạch, từ ngày 25-8 toàn bộ phân xưởng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ dừng sản xuất 55 ngày để phục vụ công tác bảo dưỡng tổng thể lần đầu sau gần 5 năm vận hành.

Để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương cho biết đã thực hiện điều chỉnh phân giao tổng nguồn tối thiểu theo quý cho các thương nhân đầu mối phù hợp, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

Theo đó, lượng nhập khẩu đảm bảo bù đắp được nguồn cung xăng dầu thiếu hụt khi các nhà máy thực hiện bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương dự báo giá bình quân dầu thô thế giới quý 3-2023 ở mức 87-92 USD một thùng, tương ứng giá thành phẩm 90-98 USD/thùng với các mặt hàng xăng, dầu. Mức này giảm 12,8 – 23,2% so với cùng kỳ 2022.

Theo Tuoitre