Sau 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình dịch ở TPHCM như thế nào?

Trong một tuần áp dụng Chỉ thị 16, TPHCM phát hiện trung bình 1.305 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, hầu hết trong khu cách ly, phong tỏa. Một số nơi còn xuất hiện tình trạng tập trung đông người.

Chiều 15/7, Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố. Sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 16, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc Covid-19 mới được công bố mỗi ngày có dấu hiệu  gia tăng.

Báo cáo tại buổi họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin từ đầu mùa dịch đến nay, toàn địa bàn có 142 bệnh nhân tử vong do dịch Covid-19. Từ ngày áp dụng Chỉ thị 16 đến nay, thành phố có trung bình 1.305 ca mắc mới mỗi ngày, hầu hết những trường hợp này được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa.

Còn hiện tượng tập trung đông người

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay bên cạnh những kết quả khả quan bước đầu đạt được, thành phố còn nhiều điểm còn hạn chế trong một tuần áp dụng Chỉ thị 16.

“Tình trạng tập trung đông người còn xuất hiện, đặc biệt trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, khi có thông tin cần giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 để đi làm. Những ngày đó, bà con tập trung tại các bệnh viện, phòng khám để làm xét nghiệm nhanh”, ông Dương Anh Đức cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết hiện tại, việc tập trung đông người tại các địa điểm xét nghiệm gần như không còn. Tại một vài bệnh viện, người dân vẫn đến làm xét nghiệm do các tỉnh, thành bạn yêu cầu, nhưng số lượng không quá nhiều.

Trong tuần cách ly xã hội, việc kiểm tra, giám sát tại các điểm cách ly, khu vực phong tỏa cũng còn một số bất cập. Những trường hợp giao lưu, tiếp xúc, không đảm bảo giãn cách vẫn tồn tại ở một số nơi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TPHCM thông tin trong những ngày qua, một số thời điểm dư luận xuất hiện thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang dư luận, tạo sự ùn ứ tại điểm bán hàng hóa thiết yếu. Một số thời điểm, việc cung cấp thông tin cho người dân, cho báo chí còn chưa thật sự kịp thời, cần tăng cường thời gian tới.

Việc thiếu hụt hàng hóa còn diễn ra tại một vài thời điểm trong thời gian TPHCM thực hiện Chỉ thị 16.

“Các chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho TPHCM gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Bên cạnh đó, việc ngừng hoạt động 3 chợ đầu mối khiến nhiều thời điểm, giá cả tăng 1,5 đến 2 lần so với thời điểm chưa áp dụng Chỉ thị 16”, ông Dương Anh Đức nêu vấn đề.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành y TPHCM đang điều trị hơn 20.000 bệnh nhân. Trong đó, 246 bệnh nhân cần thở máy và 7 bệnh nhân có bệnh chuyển nặng, cần can thiệp ECMO.

Tận dụng tối đa thời gian cách ly xã hội còn lại

Nêu phương hướng cho những ngày cách ly xã hội còn lại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định thành phố sẽ tận dụng tối đa để tập trung kéo giảm, đẩy lùi dịch Covid-19. Trong đó, công tác xét nghiệm sẽ được tổ chức đúng trọng tâm, trọng điểm, loại bỏ nguồn lây và tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Cụ thể, toàn bộ người dân bên trong khu phong tỏa sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 từ 2-3 ngày/lần, người dân tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao là 5-7 ngày/lần.

“Việc lấy mẫu sẽ được tổ chức tại các điểm có quy mô nhỏ tại khu vực sản xuất kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp. Người được lấy mẫu được chia theo khung giờ, đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch. Người dân bên trong khu vực phong tỏa sẽ được lấy mẫu theo từng hộ gia đình, tránh nguy cơ lây nhiễm cộng đồng”, ông Dương Anh Đức cho hay.

TPHCM sẽ tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với khu phong tỏa, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Lãnh đạo TPHCM thông tin thêm trong đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 sắp tới, thành phố sẽ lập các điểm tiêm tại 312 trạm y tế trên địa bàn. Để đảm bảo an toàn, mỗi điểm sẽ đặt mục tiêu tiêm 120 người/ngày để đảm bảo giãn cách.

“Đợt tiêm này sẽ ưu tiên cho người dễ tổn thương, có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh và các đối tượng theo Nghị quyết 21. Tốc độ của đợt tiêm này sẽ chậm hơn đợt 4, sẽ diễn ra trong 2-3 tuần với mục tiêu tiêm khoảng 1 triệu liều”, ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng khẩn trương chuẩn bị theo việc giảm thời gian cách ly, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 và các ca tiếp xúc. Thành phố cũng triển khai nhanh việc giám sát, cách ly tại nhà với ca nhiễm, nghi nhiễm và đảm bảo công suất của ngành y là 50.000 giường bệnh.

“Thành phố sẽ phấn đấu, áp dụng mọi biện pháp để giảm đến mức thấp nhất số ca tử vong do dịch Covid-19 trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.

Biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 được TPHCM áp dụng từ 0h ngày 9/6. Cùng thời điểm trên, toàn bộ dịch vụ ăn uống trên địa bàn phải tạm ngừng hoạt động, không bán tại chỗ, không bán mang về.

Những ngày đầu tiên cách ly xã hội, TPHCM đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc cung ứng nhu, yếu phẩm cần thiết, lương thực, thực phẩm cho người dân. Một số khó khăn có thể kể tới trong ngày đầu là những chuyến xe chở hàng hóa về TPHCM lâm vào cảnh ùn ứ tại địa bàn giáp ranh do công tác kiểm soát dịch.

Một số thời điểm, việc ùn tắc vẫn diễn ra tại một số chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 trong địa bàn thành phố. Những ngày gần đây, các phương án mới đã được đưa ra nhằm giảm thiểu và gỡ bỏ những bất cập trên.

Sau một tuần áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 toàn địa bàn, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng. Số ca mắc mới được công bố mỗi ngày có xu hướng tăng dần những ngày gần đây.

Từ ngày 9 – 13/7, số bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố mỗi ngày dao động từ hơn 1.200 đến hơn 1.700 trường hợp. Và hôm qua (14/7), TPHCM ghi nhận số bệnh nhân mắc mới được công bố trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 2.229 trường hợp.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 từ ngày 27/4, TPHCM đã có 19.405 bệnh nhân mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, cao nhất trong các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo Dantri