Tăng trần giá vé máy bay: Hãng hàng không mừng, lữ hành du lịch lo

Theo các chuyên gia, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ “cởi trói” cho các hãng hàng không khỏi cảnh càng bay càng lỗ.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành quy định mới về giá trần vé máy bay trên các đường bay nội địa. Cụ thể, theo Thông tư số 34 có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2024, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình 3,75-6,67%. Trong đó, có đường bay tăng lên mức 4 triệu đồng/vé/chiều.

Không phải cái cớ để hãng bay tăng giá vé

Chia sẻ với Znew, đại diện Vietravel Airlines rất hoan nghênh việc điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa nhằm phản ánh đúng hơn về thực trạng ngành hàng không và tình hình kinh tế mới.

“Hiện tại, giá vé của các đường bay Việt Nam đang rất thấp khi so sánh với các thị trường xung quanh. Trong khi đó, giá cả đầu vào và tỷ giá đã biến động rất nhiều kể từ lần điều chỉnh giá trần cách đây 8 năm. Đơn cử, xăng JET A1 nhập khẩu đã tăng gần 80% so với giai đoạn 2019 khiến các hãng càng bay càng lỗ”, vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Bùi Doãn Nề – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) – khẳng định quyết định tăng giá trần vé máy bay nội địa sẽ giúp các hãng chủ động hơn trong việc kinh doanh.

Nới giá trần không phải cái cớ để các hãng bay đồng loạt tăng giá vé. Ngược lại, các hãng có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé

TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA

Việc nới nhẹ khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

TS Bùi Doãn Nề cũng cho rằng việc nới giá trần không phải cái cớ để các hãng đồng loạt tăng giá vé. Ngược lại, các hãng có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức vé, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không.

Cần bỏ hẳn giá trần

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng không chỉ nên tăng trần giá vé máy bay mà còn phải bỏ hẳn quy định này.

“Trần giá vé máy bay là điểm nghẽn khiến các hãng hàng không thu được lợi ích ngắn hạn của cao điểm thị trường cũng như đa dạng dải giá của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lựa chọn”, vị chuyên gia khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống lấy ví dụ nếu bỏ giá trần, hãng hàng không có thể bán vé giá cao hơn cho khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền để được hưởng tiện nghi tốt hơn hoặc được đặt vé vào giờ chót. Giá vé hạng phổ thông cho khách hàng bình dân có thể vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Trong tình huống này, số người được đi máy bay vẫn như cũ, hãng hàng không có thêm nguồn thu và một số khách hàng sẵn sàng chi trả sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn.

Vị chuyên gia nói thêm rằng khung giá trần hiện nay của Bộ GTVT đang kìm hãm sự xuất hiện của những đường bay mới đến những nơi xa xôi mà số lượng hành khách không nhiều như sân bay Lai Châu, Điện Biên…

Nếu không có giá trần, hãng hàng không có thể mở đường bay mới với giá cao mà người mua bằng lòng chi trả và hãng không phải chịu lỗ.

“Nếu tiếp tục áp dụng mức giá trần cứng nhắc, nguồn thu từ bán vé không đủ bù đắp chi phí, các hãng sẽ dừng bay và khách hàng sẽ chịu thiệt vì mất một lựa chọn đi lại”, ông Tống nhấn mạnh.

Lo giá vé tăng kéo giá tour tăng
Trong khi các hãng bay đều kỳ vọng vào đợt nới trần giá vé máy bay mới nhất của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lữ hành lại lo lắng khi giá vé máy bay tăng.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, quan ngại việc tăng giá hàng không từ tháng 3/2024 tức ngay đầu cao điểm hè 2024 sẽ kéo giá tour trong nước tăng theo.

Nếu giá du lịch trong nước vào mùa hè tăng cao, có khả năng khách hàng sẽ chọn đi nước ngoài

Đại diện Công ty TSTtourist
Vị này tính toán riêng vé máy bay cho chặng từ 1.280 km trở lên đã 8 triệu đồng cho chuyến khứ hồi. Cộng thêm các chi phí dịch vụ khác, các tuyến du lịch miền Bắc xuất phát từ TP.HCM chắc chắn không rẻ hơn 15 triệu đồng/khách.

“Nếu giá du lịch trong nước vào mùa hè tăng cao, có khả năng khách hàng sẽ chọn đi nước ngoài”, ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.

Đại diện Vietluxtour cũng cho biết giá vé máy bay nội địa chiếm khoảng 50-60% giá tour du lịch. Giá vé tăng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến giá tour và kế hoạch kinh doanh một số sản phẩm nội địa của công ty lữ hành.

Vì vậy, đơn vị này sẽ phải cân đối lại kế hoạch tiếp thị, kinh doanh với một số tuyến nội địa đường bay để giữ được sự ổn định về giá tour, đảm bảo được chi phí tour mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Theo Znew