Thành phố lớn nhất cả nước tìm giải pháp thu hút vốn FDI

Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… UBND TP.HCM đã kịp thời triển khai các giải pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài…

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; tham mưu các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Quyết định số 5878/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 của UBND TP.HCM về Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Tham mưu ban hành Quyết định về tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài và có chọn lọc.

Cụ thể, Sở Công Thương sẽ tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian tới; hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ TP.HCM kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đồng thời, theo dõi thông tin, tham mưu kiến nghị Bộ Công Thương, Thủ tướng xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện gió trên địa bàn Thành phố, tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư quan tâm, đầu tư các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi trên địa bàn TP.HCM.

Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật, hướng dẫn triển khai các quy định của Luật Đất đai năm 2024; tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Sài Gòn trong đào tạo lao động có tay nghề, lao động cấp quản lý đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số.

Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất các giải pháp thu hút các Tập đoàn công nghệ số (tech firm) hàng đầu thế giới đầu tư phát triển phần mềm (software), chất bán dẫn (semiconductors)…

Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố rà soát các quy định về an ninh quốc phòng, phối hợp với các địa phương xem xét các hoạt động của các dự án nằm trong khu vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, đảm bảo kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội; rà soát, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục cấp visa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cục Thuế TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan theo dõi các chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu, kiến nghị điều chỉnh khung ưu đãi đầu tư của Việt Nam phù hợp theo lộ trình nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, thích ứng hiệu quả trong bối cảnh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM triển khai thực hiện.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp, hỗ trợ các địa phương xúc tiến, đàm phán, tư vấn chính sách, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài; Tuyên truyền quảng bá về sự sẵn sàng của Thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư với các lợi thế về môi trường đầu tư, hạ tầng, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng luôn được nâng cấp, đầu tư mới.

Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý khu Nam, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Tây Bắc, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm, Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao rà soát quỹ đất các khu công nghiệp, khu phát triển đô thị, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Song song đó, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông, logistic…) để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong dài hạn.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính…

Trong đó 10 tỉnh thành dẫn đầu gồm TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.

Cũng trong năm 2023, TP.HCM trở thành địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỉ USD. Con số này chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Vneconomy