Tín dụng 2017 ước tăng quanh 19%, tăng trưởng cho vay tiêu dùng “vượt mặt” 2016

Tín dụng tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động “tiềm năng và chiến lược” của các TCTD.

Tín dụng 2017 ước tăng 18,7% – 19,3%

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục là điểm nhấn tăng trưởng trong năm 2017. Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố, cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2015 với tốc độ tăng trưởng đạt 65%, trong khi năm 2016 là 50,2%.

Trong khi đó, tín dụng năm 2017 ước tăng khoảng 18,7 – 19,3%, nhìn chung tương đương với mức 19% của năm 2016. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ qua đó nâng từ 12,3% lên 18%.

Trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính (52,9%) và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%. NFSC cũng đánh giá thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đã tăng mạnh từ 39% lên 45,7% cuối 2017. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng.

NFSC dự báo lĩnh vực này sẽ tăng trưởng cao và nhận định đây vẫn là một trong những mảng hoạt động “tiềm năng và chiến lược” của các TCTD.

Tín dụng có xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng trung dài hạn (từ 55% cuối năm 2016 xuống 53,7% ước cuối năm 2017). Tín dụng ngoại tệ dù tăng trưởng nhanh nhưng tỷ trọng trong cơ cấu lại giảm từ 8,4% xuống 8,3%. Tín dụng bằng đồng nội tệ vẫn chiếm chủ yếu.

Theo ngành nghề, tín dụng tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ với tăng trưởng công nghiệp, thương mại và dịch vụ khác đạt 21,8%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh doanh bất động sản, xây dựng chỉ đạt 12,2% kéo tỷ trọng cho vay các nhóm ngành giảm xuống 9,9% với lĩnh vực xây dựng và 5,9% với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Thanh khoản vẫn ổn định dù LDR tăng từ 85,6% lên 87,3%

Tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống năm 2017 ước đạt 16,9%, giảm mạnh so với mức 19,3% cuối năm 2016. Một số tổ chức tín dụng đẫ đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu… qua đó đẩy tăng trưởng huy động qua kênh này ước đạt 28%.

Trong cơ cấu huy động, tỷ trọng huy động vốn có kỳ hạn tăng từ 79,7% lên 80,9% do tăng trưởng tới 18%. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn đạt 19,1%, giảm nhẹ so với năm trước.

Dù tỷ lệ tín dụng/ huy động (LDR) bình quân của hệ thống tăng từ 85,6% lên 87,3% song thanh khoản của hệ thống vẫn được đảm bảo nhờ việc NHNN tăng cung tiền thông qua mua hơn 7,5 tỷ USD trong năm 2017. Lượng tiền ròng bơm ra theo ước tính của NFSC là 110.000 tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng nhờ đó được giữ ở mức thấp.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống giảm nhẹ, từ 34,5% xuống khoảng 31,2%. Nhưng theo Ủy ban này, một số ngân hàng có tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn gần sát ngưỡng quy định tại Thông tư 06/2016 là 50%.

Theo Thanh Thủy

NDH


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *