80% tổng mức đầu tư các dự án nhiệt điện do Geleximco đề xuất đầu tư được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu.
Bộ Công Thương vừa có văn bản lấy ý kiến về việc liên danh Tập đoàn Geleximco – Công ty TNHH Hồng Kông United (HUI) đề xuất tham gia một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công – tư).
Mập mờ năng lực tài chính
Đáng chú ý, theo văn bản của Bộ Công Thương, liên danh này đã 2 lần đề xuất đầu tư các dự án nhiệt điện.
Lần thứ nhất, ngày 31-7-2017, liên danh Geleximco – Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) có văn bản đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho đầu tư 5 dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I, Quỳnh Lập II, Quảng Trạch I, Quảng Trạch II và Hải Phòng III. Hình thức đầu tư theo PPP, trong đó liên danh đầu tư góp 75%-80% vốn.
Lần thứ hai vào ngày 16-10-2017, liên danh này tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I và Quảng Trạch II.
Tại lần đề xuất riêng cho dự án Quỳnh Lập I và Quảng Trạch II, phương án tài chính được đưa ra là liên danh sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn vay thương mại quốc tế không cần bảo lãnh Chính phủ. Trong đó dự kiến tỉ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 20%/80%.
Về phương án này, Bộ Công Thương nêu rõ: “80% vốn được vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất 10,86%/năm, vay thương mại quốc tế 11,77%/năm. Phần này sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng (NH) do NH Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu bao gồm: NH Trung Quốc; NH Xây dựng Trung Quốc; NH Xuất nhập khẩu Trung Quốc Chi nhánh Hồ Nam, Chi nhánh An Huy; NH Công Thương Trung Quốc”.
Một điểm cũng đáng lưu tâm là chủ đầu tư cam kết khởi công xây dựng ngay khi các dự án được cho phép đầu tư. Trong khi đó, năng lực tài chính của liên danh lại có những điểm mập mờ.
Đánh giá bước đầu của Bộ Công Thương cho biết nguồn vốn chủ sở hữu của Geleximco khoảng 8.976 tỉ đồng, được bảo đảm bởi các nguồn tiền thu được từ các dự án xây dựng đô thị, sân golf đang thực hiện (khoảng 8.871 tỉ đồng). Geleximco đã có báo cáo bổ sung dòng tiền, theo đó vốn chủ sở hữu Geleximco thu từ các dự án xây dựng có thể lên tới 15.731 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Geleximco lại không cung cấp thông tin tài chính của đối tác liên danh là HUI theo yêu cầu của Bộ Công Thương mà chỉ đưa báo cáo tài chính các năm 2014-2016 của KAIDI Dương Quang – cổ đông chính của HUI.
“HUI được thành lập năm 2016 nên tới nay chưa có báo cáo tài chính 3 năm theo yêu cầu. Năng lực tài chính của HUI được hiểu là năng lực tài chính của cổ đông chính” – đại diện Bộ Công Thương cung cấp thông tin giải trình của Geleximco.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I là một trong 5 dự án được liên danh Geleximco – Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) đề xuất đầu tư. Ảnh: TƯ LIỆU
TKV, EVN phản đối
Liên quan đến việc Geleximco “tha thiết” xin đầu tư hàng loạt dự án nhiệt điện, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng loạt lên tiếng phản đối. Bởi lẽ, đây là những dự án được giao cho các tập đoàn năng lượng này và họ bắt đầu có những bước triển khai.
Tại Công văn số 4436 ngày 21-9-2017, TKV khẳng định dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I đã được Chính phủ giao cho tập đoàn này làm chủ đầu tư từ tháng 4-2009, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Dự án sẽ được vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2022, tổ máy số 2 vào năm 2023.
Trên cơ sở này, TKV đã và đang thực hiện một số công việc như đàm phán với liên danh tổ hợp nhà thầu EPC Doosan – Lilama – Narime về gói thầu EPC dự án; đang đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN; đàm phán hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển dự án.
Một điểm đáng lưu ý khác là ngày 8-5-2017, TKV đã ký biên bản ghi nhớ với Geleximco – KAIDI và KOSPO (Hàn Quốc) về hợp tác phát triển dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I theo hướng TKV chủ trương nắm giữ cổ phần dự án này tối thiểu 36%, còn KAIDI 34%, KOSPO 34%.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Geleximco và KAIDI khẳng định chỉ hợp tác phát triển dự án với cơ cấu nhà đầu tư bao gồm: TKV nắm 36% cổ phần, KAIDI 34% và Geleximco 34%, không hợp tác với bất cứ nhà đầu tư nào khác trong triển khai dự án.
“Đề xuất hợp tác của liên danh Geleximco – HUI không phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư dự án Quỳnh Lập I của TKV vì chủ trương là TKV phải nắm giữ cổ phần chính của dự án. Hiện TKV đang tìm kiếm thêm nhà đầu tư khác đủ năng lực để xem xét lựa chọn theo tỉ lệ vốn góp vào Nhiệt điện Quỳnh Lập I là TKV nắm 36%, KOSPO 34%, nhà đầu tư khác 30%” – đại diện TKV nêu quan điểm.
Về phía EVN, tập đoàn này được giao làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II và cũng đã có những bước triển khai nhất định. Trong đó, một động thái cho thấy chủ đầu tư EVN có thể triển khai dự án một cách “khả thi và an toàn” khi họ đã đạt được thỏa thuận với Vietcombank cung cấp vốn cho Quảng Trạch I, VietinBank cung cấp vốn cho Quảng Trạch II.
Cho Trung Quốc đầu tư, khó tránh nguy cơ kéo dài
Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỉ USD. Đối với dự án nhiệt điện Quảng Trạch II, tổng mức đầu tư dự kiến 2,4 tỉ USD, tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới khoảng 4,5 tỉ USD. Trong đó, liên danh Geleximco – KAIDI đề xuất sở hữu 100% cổ phần dự án Quảng Trạch II.
Theo lãnh đạo EVN, việc Geleximco đề xuất đầu tư theo hình thức PPP chưa được quy định đối với công trình điện. Thời gian thành lập công ty liên doanh, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 20%-30% cổ phần, còn lại do Geleximco – KAIDI đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng kéo dài, chậm tiến độ dự án.
Theo Phương Nhung
Người Lao động