Thu hồi 13 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Đông Nam Dược

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành Quyết định thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty cổ phần phát triển công nghệ Đông Nam Dược.

Ngày 25/6 Theo nội dung quyết định, Cục An toàn thực phẩm Thu hồi 13 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty CP Phát Triển CN Đông Nam Dược (tầng 23, tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Được biết, công ty này đã thuê nhân viên “không trình độ” để tư vấn bán thuốc qua mạng “biến hóa” thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, công ty đã quảng cáo, bán các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) chưa công bố, ghi nhãn sai, dùng các hình ảnh nhân viên y tế để quảng cáo các sản phẩm,…

13 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Đông Nam Dược bị thu hồi

Trong danh sách sản phẩm của Công ty Đông Nam Dược bị thu hồi đáng lưu ý có nhiều sản phẩm tăng cường sinh lý, hỗ trợ phòng the gồm: Double X for Women, Chiến mã khang, Double X for Men. Mặc dù là mặt hàng thực phẩm chức năng, tuy nhiên trên nhiều website, các sản phẩm này được quảng cáo như công dụng thuốc chữa bệnh.

Danh sách thu hồi lần này còn có sản phẩm điều trị đau dạ dày, đại tràng “Trường An vị” và “Dạ dày ông Bảy”. Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm thu hồi khác như: Cốm lợi sữa Mimon, thanh nhiệt giải độc Trisamun, Be Dad, Be Mom, Vibaso, Sumogo, Triuxo.

Thu hồi giấy xác nhận an toàn thực phẩm của Cty Đông Nam Dược

Theo TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược có trách nhiệm dừng lưu thông, thu hồi toàn bộ sản phẩm có tên trên và báo cáo về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 29/6/2018.

Được biết, trong quá trình thanh, Bộ Y tế đã tiến hành niêm phong các sản phẩm chưa công bố được bày bán ra thị trường. Trước thực trạng các sản phẩm TPCN được bán và quảng cáo rầm rộ, không theo quy định trên mạng xã hội, ông Phong khuyến cáo, người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm TPCN quảng cáo dưới các hình thức như: Dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo sản phẩm, dùng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế để quảng cáo…

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không nên mua, không sử dụng sản phẩm trong lúc các cơ quan thanh tra, kiểm tra đang tiến hành xác minh, xử lý vi phạm.

Trước tình hình như vậy, một số công ty dược đã chủ động rà soát thông tin, phát hiện và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, báo cáo với Cục ATTP để tránh bị hiểu lầm và bị đánh đồng với các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng.

Các thực phẩm chức năng hoàn toàn không chữa được bệnh và không thể thay thế thuốc chữa bệnh

“Cục ATTP cũng công bố các thông tin này trên website của Cục dưới dạng, các sản phẩm quảng cáo ở những trang như này doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm không thừa nhận nội dung quảng cáo và không chịu trách nhiệm về trang web này. Đề nghị người tiêu dùng không mua sản phẩm hiện nay đang quảng cáo như vậy” – ông Phong nhấn mạnh.

Hơn nữa, những chiêu thức quảng cáo TPCN đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhất là việc họ sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân.

Về mặt pháp luật không cấm người nổi tiếng quảng cáo. Nhưng Cục trưởng Cục ATTP cũng khuyến cáo những người nổi tiếng, khi nhận lời tham gia làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm, tham gia quảng cáo sản phẩm cần tìm hiểu kỹ chất lượng sản phẩm, phải hiểu các quy định của pháp luật về quảng cáo TPCN.

Bán sản phẩm bất hợp pháp, Công ty Đông Nam Dược Hoàng Anh đang làm trái Chỉ thị của Thủ tướng?

Theo ông Phong, chiêu trò nguy hiểm nhất được các đối tượng bán TPCN qua mạng thực hiện là sử dụng người tư vấn không có trình độ. Thậm chí có tình trạng người làm tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ, nhưng thực tế họ không có kiến thức về sức khỏe, dọa người tiêu dùng, nói quá lên để gợi ý mua sản phẩm của họ.

Đồng thời, ông Phong nhắc nhở người tiêu dùng, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giúp làm giảm triệu chứng của bệnh, hoàn toàn không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Tốt nhất nên chọn quảng cáo những sản phẩm có nội dung quảng cáo đã được thẩm định, sản phẩm đã được công bố rõ ràng, quảng cáo đúng sự thật, không nói quá về tác dụng sản phẩm.

Khi lựa chọn sử dụng sản phẩm TPCN cần tìm hiểu cẩn thận, tránh nghe và tin theo những lời quảng cáo thổi phồng sự thật để rồi gây hại cho sức khỏe.

Thái Minh t/h