Nhiều khó khăn dồn dập đổ về BIDV vào thời điểm cựu lãnh đạo của ngân hàng này bị kỷ luật vì vi phạm nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Sau những bước chuyển mình đáng kể, ngân hàng cổ phần có quy mô lớn nhất thị trường là Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chuẩn bị “đón bão” khi liên quan đến những “đại án” ở ngân hàng.
Bộ tam tăng trưởng
Cùng với Vietcombank và Vietinbank, BIDV được xếp chung vào nhóm “bộ tam” ngân hàng quốc doanh niêm yết trên thị trường. Nhưng ở BIDV có những điểm riêng đặc biệt hơn nhiều khi so với 2 ngân hàng còn lại. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, BIDV có tốc độ tăng trưởng không thua kém bất kỳ ngân hàng nào trên thị trường, với những cột mốc quan trọng đáng kể như thực hiện IPO năm 2011, niêm yết năm 2014 và sáp nhập với Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).
Các sự kiện này đều đưa quy mô tài sản của BIDV tăng trưởng mạnh. So sánh với các ngân hàng tương đồng như Vietcombank và VietinBank (loại trừ Agribank vì những đặc thù riêng có), BIDV hiện là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất với giá trị 1,2 triệu tỉ đồng, dù vốn điều lệ thấp hơn 2 ngân hàng còn lại. Không chỉ có quy mô tài sản lớn nhất, so với 2 ngân hàng còn lại, BIDV cũng mạnh tay cho vay nhiều hơn. Đây cũng là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất trong hệ thống, lên đến 866.000 tỉ đồng vào năm 2017 (tăng gần 19,8% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, VietinBank ở mức 790.000 tỉ đồng (tổng tài sản gần 1,1 triệu tỉ đồng). Còn Vietcombank thậm chí thấp hơn nhiều, chỉ ở mức 535.000 tỉ đồng. Có vẻ như BIDV và VietinBank đi giống nhau, còn Vietcombank thận trọng hơn nhiều trong cho vay (dư nợ cho vay chỉ chiếm 52% tổng tài sản, trong khi 2 ngân hàng còn lại khoảng 70%). Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu Vietcombank cũng được thị trường đánh giá cao hơn, với mức giá khoảng 58.000 đồng/cổ phiếu, trong khi BIDV và Vietinbank quanh mức 30.000 đồng/cổ phiếu.
Dù có quy mô tài sản thuộc nhóm lớn nhất, nhưng khả năng làm ra lợi nhuận của BIDV lại kém hơn so với 2 ngân hàng còn lại. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ đạt 6.945 tỉ đồng (năm 2016 là 6.196 tỉ đồng). Con số này ở Vietcombank và VietinBank lần lượt là 9.111 tỉ đồng và 7.459 tỉ đồng.
Trong khi đó, hai ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là VPBank và Techcombank hiện cũng đã bám sát BIDV với khả năng tạo ra lợi nhuận, cho dù cả quy mô 2 ngân hàng này kém hơn nhiều. Như vậy, mô hình tài chính tiêu dùng và khối doanh nghiệp bên ngoài đang hiệu quả hơn so với nguồn khách hàng doanh nghiệp quốc doanh hiện hữu của BIDV?
Thực tế, cả 3 ngân hàng quốc doanh trong vài năm gần đây đang chuyển hướng bán lẻ, cho vay bên ngoài nhiều hơn khi quy mô doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn. Tuy nhiên, với quy mô bán buôn quá lớn như thế, hiện trạng này khó lòng thay đổi trong một sớm một chiều. Thực tế, mức độ tạo ra lợi nhuận của BIDV vẫn tăng trưởng đều khi thu nhập lãi thuần vẫn đều đặn tăng trưởng với tốc độ 30%. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh bởi vì ngân hàng này hiện đang phải dành nguồn lực đáng kể để trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu, cho dù những báo cáo nhiều năm qua cho thấy tỉ lệ nợ xấu hầu như không vượt qua mức 3%.
Thực tế, ngay cả với lượng cho vay nhiều, nhưng khoản mục Tài sản khác (vốn được các chuyên gia cho là nơi ẩn chứa khoản nợ xấu) của BIDV thấp hơn so với 2 ngân hàng quốc doanh còn lại xét cả về số tuyệt đối và tương đối. Đặc thù hoạt động của BIDV có thể thấy rõ hơn khi nhìn vào thuyết minh báo cáo tài chính.
Theo đó, hoạt động dịch vụ hầu như không mang lại lợi nhuận nhiều (năm 2017 chỉ chiếm 7,6% tổng thu nhập), tương tự với các khoản thu nhập hay đầu tư chứng khoán, thay vào đó là thu nhập từ hoạt động tín dụng. Chiến lược của BIDV là tập trung nhiều vào các hoạt động cho vay, trong đó chủ lực là nhóm doanh nghiệp nhà nước, cũng có phần giống như 2 ngân hàng quốc doanh, so với phần còn lại của thị trường.
Thực tế, tỉ trọng cho vay của BIDV với các doanh nghiệp nhà nước (100% vốn và chi phối trên 50% cổ phần) là lên đến 15,66% vào năm 2017, trong khi đó, tỉ lệ này ở VietinBank là khoảng 16,52%.
Áp lực giải “Tam tai”
Dù vậy, ở giai đoạn sau này, hoạt động cho vay doanh nghiệp nhà nước cũng đã giảm đi đáng kể (thời điểm năm 2013 lên đến tỉ trọng 23,98% dư nợ).
Dư nợ hộ kinh doanh, cá nhân cũng tăng lên đáng kể vào giai đoạn sau này, khi BIDV chuyển hướng bán lẻ nhiều hơn. Đây vốn cũng là định hướng phát triển chung cho gần như toàn bộ các ngân hàng, sau khi hoạt động tín dụng với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn chững lại đáng kể vì lãi suất cao và đã tạo ra những khoản nợ xấu.
Đã có nhiều bài học về những trường hợp ngân hàng cho vay nợ lớn, để rồi mất thanh khoản và chịu sáp nhập. Tất nhiên, việc cho vay này cũng mang lại lợi thế đáng kể cho ngân hàng khi có thể tận dụng những khoản tiền gửi từ các tổ chức kinh tế để tận dụng nguồn vốn kinh doanh, đặc biệt là dòng tiền dồi dào từ các tập đoàn nhà nước. Nhưng rõ ràng, hiệu quả hoạt động của nhóm các công ty nhà nước vốn thấp hơn so với mức bình quân của nhóm công ty tư nhân, khó có thể đảm bảo rằng những khoản nợ này là nợ “đẹp”.
Bài học rõ nhất là khoản vay từ Vinashin mà BIDV cũng vấp phải. Theo thông tin từ BIDV bắt đầu thực hiện IPO vào năm 2011, khoản nợ này có giá trị 6.000 tỉ đồng. Dù vậy, không chỉ với các công ty nhà nước, các công ty tư nhân có quy mô lớn cũng là những khoản vay rủi ro khi đi ngược chiều tăng trưởng.
Mối quan hệ rõ nhất là tình huống mà BIDV phải thực hiện động tác “nuôi nợ” với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. BIDV cũng là nhân tố chính trong việc đầu tư ra thị trường CLMV, tức Lào, Campuchia và Myanmar, cũng là những nơi mà Hoàng Anh Gia Lai đầu tư mạnh. Trước đó, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, khi đó cũng đồng thời nắm giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang các nước CLMV.
Thêm nữa, BIDV ngày nay cũng phải “cực nhọc” hơn để tập trung xử lý những hậu quả do các khoản vay trước đây để lại. Chẳng hạn, đầu năm nay, BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 2.278 tỉ đồng của nữ đại gia Công ty Cổ phần Thuận Thảo. Việc đang phải giải quyết các khoản nợ xấu có thể kéo lùi quá trình tăng trưởng của BIDV trong nhiều năm tiếp theo. Ngân hàng này đồng thời chịu áp lực không nhỏ khi cần phải tăng vốn không chỉ để mở rộng năng lực tài chính, mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo thế hệ mới Basel II thời gian sắp tới.
Dù nỗ lực nhiều trong thời gian qua, BIDV vẫn là ngân hàng quốc doanh chưa có cổ đông chiến lược. Trong khi đó, cho đến nay, chiếc ghế lãnh đạo ở BIDV vẫn còn để trống, sau gần 2 năm kể từ khi ông Bắc Hà nghỉ hưu. Tái cấu trúc ở BIDV không chỉ là những con số, mà còn là sự sắp xếp lại nhân sự của nhóm điều hành với quyền hành lớn nhất là cổ đông nhà nước.
Ông Bắc Hà được nhận xét là một lãnh đạo quyền lực trong giới ngân hàng. Dưới nhiệm kỳ của ông Bắc Hà, BIDV có tài sản và vốn điều lệ tăng gần 4 lần, lợi nhuận tăng hơn 3 lần nhưng cũng có nhiều tai tiếng. Sau nhiều tin đồn bị bắt, mới đây, ông Bắc Hà và 2 Phó Tổng giám đốc BIDV đã chính thức bị kỷ luật với nhiều sai phạm nghiêm trọng. Trước hàng loạt khó khăn bủa vây, nhiệm vụ duy trì tăng trưởng của BIDV là không hề nhẹ nhàng…
Việt Dũng/ Nhịp cầu đầu tư