Có những nỗi đau mang tên “biệt phủ”

“Biệt phủ” là từ được dùng để chỉ dinh cơ của quan lại, một tàn tích phong kiến mà xã hội văn minh đã đổ bao máu xương mới có thể bỏ lại quá khứ.

Hơn 70 năm sau ngày vua Bảo Đại thoái vị về “làm dân một nước tự do”, hàng loạt những dinh cơ như cung vua, phủ chúa của cán bộ, quan chức nối tiếp nhau xuất hiện, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, là mầm họa đe dọa sự tồn vong của chế độ, của đất nước.

Gỗ về nhà quan, lũ về nhà dân

Chỉ từ 2017 tới nay, đã có hàng chục biệt thự, biệt phủ liên quan tới quan chức tại nhiều địa phương được báo chí xướng tên, khiến lòng dân hoang mang, ngán ngẩm.

Ở Hà Nam, hai căn biệt thự liền kề của anh em Bí thư huyện Duy Tiên Nguyễn Đức Vượng tọa lạc tại KĐT Hòa Mạc nguy nga chẳng kém các cung điện châu Âu. Ông Vượng sau đó đã xác nhận 2 căn biệt thự là của anh em ông, và  không quên “cảm ơn mọi người đã quan tâm. Ở các thành phố lớn trong nước mình còn nhiều căn biệt thự đẹp và độc đáo hơn”. Ông coi sự tương phản của sang – hèn giữa gia đình mình và nhân dân như “chuyện thường ở huyện”.

Vào tới miền Trung, ở huyện Hải Lăng nghèo khó, ông Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị Khổng Trung đã cất thành công một căn nhà gỗ lớn. Ngôi nhà được cho là đã tiêu tốn khoảng 80 khối gỗ, 32 cây cột thuộc nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, chua, trường… xây từ 2015 đến 2016 thì xong. Ông Trung khẳng định số gỗ ông mua có nguồn gốc rõ ràng. Tiền mua gỗ vợ chồng ông có từ nhiều nguồn thu nhập, nhiều năm tích góp.

Lên Tây Nguyên, vị Phó ban Nội chính Đắk Lắk Nguyễn Sỹ Kỷ cũng xây thành biệt thự trên đất nông nghiệp. Khi chính quyền yêu cầu tháo dỡ, ông không phục và giải thích rằng ngôi nhà là tài sản tích góp. Vợ ông kinh doanh, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước thì lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp tiền.

Về miệt ĐBSCL, chuyện biệt phủ liên quan tới Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh chỉ vừa hé mở đã có thể phải khép lại. Bởi căn nhà gỗ bề thế ở vị trí đắc địa trên Tỉnh lộ 943 mà dư luận xôn xao lại đứng tên người thân nên ông Chủ tịch không phải kê khai. Cả tỉnh An Giang bây giờ như “mũ ni che tai”.

“Gỗ về nhà quan, lũ về nhà dân”, một nhà báo ở khu vực ĐBSCL đã phải thốt lên ngao ngán như vậy khi các quan chức giờ “mê món gỗ”, một thú chơi vô trách nhiệm, góp tay tàn phá thiên nhiên, có tội với đồng loại ở thực tại và mai sau.

 Biệt phủ trên Tỉnh lộ 943 của người thân Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

 

Thu vén hay phụng sự?

Có một đặc điểm chung đối với các biệt phủ, biệt thự của cán bộ, quan chức đang tại nhiệm hoặc đã về hưu: Đều bị báo chí phanh phui; Đều được xây dựng với số tiền rất lớn… Và đáng buồn hơn, chúng đều được tồn tại và chưa thể là bằng chứng của hành vi tham nhũng.

Sự giàu có ấy có quá bất thường?

Thực tế, khi đất nước còn nghèo, đồng lương vừa phải thì nghi vấn đầu tiên với sự giàu có của một số cán bộ, quan chức chính là tham nhũng. Tham nhũng ở đây không đơn thuần là việc vòi vĩnh, ăn hối lộ, mà còn là sự trục lợi chính sách, điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho bản thân và nhóm lợi ích.

Và điều đặc biệt nguy hiểm, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc quan chức giàu lên nhanh chóng là một rủi ro rất lớn cho hệ thống. Người ta thấy rõ ràng là chức tước mang lại sự giàu có và đạo đức công vụ không phải là cái phanh hãm lại sự trỗi dậy của những thứ bất minh!

Tại sao cán bộ, quan chức không thể giàu có chính đáng?

Thực tế, lãnh đạo các nước trên thế giới có thu nhập không khác biệt lắm so với đa số người dân. Cụ thể, Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine nhận lương 12.220 USD/năm; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận lương 20.593 USD/năm; Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận lương 151.032 USD/năm;

Thủ tướng Anh Theresa May nhận lương 198.509 USD/năm; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận lương cao nhất trong các lãnh đạo trên thế giới với mức 2,2 triệu USD/năm…

Riêng nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump làm việc không cần lương, chỉ nhận tượng trưng 1 USD/năm. Họ nếu giàu, thì là đã làm giàu trước khi bước vào chính trường, tài sản được kê khai công khai minh bạch.

Việt Nam cũng không khác biệt, khi đất nước còn nghèo, đời sống đa số nhân dân còn khó khăn. Điều đáng quý là các cán bộ, quan chức đều luôn tâm niệm “dĩ công vi thượng”, nguyện một lòng dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đảng và Nhà nước đã và đang trăn trở, tìm giải pháp để khu vực công có thể thu hút và giữ được người tài, để quan chức – những người có tài được đãi ngộ xứng đáng, có thể hưởng thụ thành quả lao động của mình mà không bị dị nghị.

Tuy vậy, trong điều kiện đất nước đang phát triển, nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn khó khăn, trẻ nhỏ không đủ ăn đủ mặc, không được cắp sách đến trường…, thì sự tương phản giữa biệt phủ xa hoa và cuộc sống nghèo đói của nhân dân càng trở nên chua chát, làm xói mòn niềm tin xã hội, là mầm họa đe dọa sự tồn vong của chế độ, của quốc gia, dân tộc.

Khi xuất hiện những kẻ chỉ lo thu vén cho cá nhân, gia đình, như Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từng nói: “Đó là loại “cá nhân chủ nghĩa”, loại người mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết chống” thì chúng ta có lý do gì để tiếp tục dung dưỡng cho những mầm họa, những kẻ có thể đã quên rồi lời hứa phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân?

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để đối phó với việc quan chức có tài sản bất minh, cần phải đẩy mạnh trách nhiệm giải trình. Ví dụ tất cả quan chức có biệt phủ, tài sản được công luận quan tâm thì phải giải trình công khai.

Nếu không giải trình được thì phải mất chức. Hoặc nếu giải trình mà quá lố như kiểu “chổi đót, xe ôm” hoặc không giải trình được thì phải thanh tra, điều tra…

Cách xử lý đối với ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư TP. Đà Nẵng sau khi vi phạm các nguyên tắc của Đảng về nhà, xe, hay trường hợp vi phạm của cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa là một minh chứng.

Kiên Giang/Thời báo & Công Luận