Doanh nghiệp Mỹ kể chuyện sống sót qua Covid-19 nhờ đối tác Việt Nam

Vào ngày 16/2, cặp vợ chồng Marissa và Adam Goldstein chính thức ra mắt Rafi Nova, một công ty chuyên bán ba lô cho giới đi phượt trụ sở đặt tại bang Massachusetts (Mỹ). Sản phẩm của Rafi Nova lấy nguyên liệu chủ yếu từ vải thổ cẩm của người dân tộc Hmong ở Việt Nam.

Thế rồi đại dịch Covid-19 ập đến và nguồn cung nguyên liệu bị cắt đứt do các chuyến bay trong và ngoài nước đều bị ngừng lại.

“Chẳng có ai ra khỏi nhà, chứ đừng nói tới chuyện bỏ tiền mua một cái túi du lịch giá 230 USD. Chúng tôi có lẽ đã chọn ngay thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử để mở một công ty bán đồ thời trang du lịch,” bà Goldstein kể lại với tạp chí The Christian Science Monitor (Mỹ).

Trong lúc khó khăn, hàng không bán được và vốn thì đã cạn, cặp vợ chồng doanh nhân này quyết định nhờ các đối tác là các xưởng may ở Việt Nam chuyển hướng sang làm khẩu trang, với ý nghĩ ban đầu chỉ để tặng cho các y bác sĩ tuyến đầu ở Mỹ.

“Ý tưởng này lúc đó không được xem như một cơ hội kinh doanh. Nó chỉ xuất phát từ ý thức muốn đóng góp”, bà Goldstein cho hay.

Sau đó, người thân và bạn bè bắt đầu hỏi mua khẩu trang của vợ chồng ông bà Goldstein. Rồi một hôm, bà Goldstein bất chợt nảy ra ý nghĩ chụp ảnh “tự sướng” khi đang đeo khẩu trang và đăng lên mạng xã hội với chú thích: “Chúng tôi có khẩu trang”.

Ngay sáng hôm sau, bà nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng trị giá lên đến 25.000 USD và từ đó, công ty được hồi sinh trở lại.

Chỉ trong 7 tháng, Rafi Nova đã gầy dựng được một đội ngũ nhân viên lên đến 30 người ở Mỹ và 4 người ở Việt Nam. Do lấn sang cung cấp thêm nhiều sản phẩm khác, công ty đã di chuyển sang địa điểm mới vào tháng 10, qua đó nâng năng suất lên thêm 60%.

Tạp chí The Christian Science Monitor cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến “đè bẹp” các doanh nghiệp startup non nớt và khiến những ai đang có kế hoạch kinh doanh phải suy nghĩ lại.

Tuy nhiên, giữa lúc đang có khủng hoảng, số lượng doanh nghiệp mới mở ở Mỹ lại có chiều hướng tăng, theo tạp chí Mỹ.

Sau đợt sụt giảm hồi tháng 3, số lượng đơn xin giấy phép kinh doanh được liệt vào nhóm nhiều khả năng trở thành doanh nghiệp có thuê mướn nhân công tăng mạnh hồi tháng 5 và đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Nhóm Đổi mới Kinh tế (EIG).

EIG lý giải sự gia tăng mạnh này một phần có thể xuất phát từ việc các doanh nghiệp đã tìm ra cơ hội trong khủng hoảng.

“Suy thoái kinh tế thường tiêu diệt nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hơn lúc bình thường, nhưng những ai sống sót sẽ trở nên rất mạnh. Chẳng hạn như gã khổng lồ về dịch vụ vận chuyển Uber và tập đoàn thanh toán di động Spuare được ra đời trong giai đoạn Đại Suy thoái hồi năm 2008”, tổ chức Startup Genome (Mỹ) bình luận.

Minh Đức

Theo CSMonitor