Đối tác Mỹ xin phá sản: Doanh nghiệp Việt phải làm gì?

Với sự tăng tốc của dịch Covid-19, các chuyên gia dự báo tình hình khủng hoảng sẽ còn tồi tệ hơn và doanh nghiệp Việt phải tìm cách bảo vệ mình.

RTW Retalwinds, hãng bán lẻ thời trang 102 tuổi tại Mỹ vừa chính thức nộp đơn xin phá sản sau nhiều tháng mất cân đối tài chính vì Covid-19. Công ty dự kiến đóng cửa gần hết, thậm chí trường hợp xấu hơn là toàn bộ 400 cửa hàng nằm rải rác 32 bang tại Mỹ.

Trong hồ sơ xin phá sản, công ty liệt kê tổng tài sản trị giá khoảng 412 triệu USD và nợ xấp xỉ 400 triệu USD.

Đáng lưu ý, tại Việt Nam, RTW Retalwinds là khách hàng truyền thống của Công ty CP May Sông Hồng. Các đơn hàng từ RTW Retalwinds (thông qua thương hiệu New York & Co) năm ngoái đóng góp 13% tổng doanh thu của May Sông Hồng.

Những năm trước, con số này lên đến 25%. RTW Retalwinds nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi vẫn còn nợ May Sông Hồng 167 tỷ đồng.

Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều khẳng định, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tăng tốc trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, tình trạng doanh nghiệp phá sản sẽ còn gia tăng.

“Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ rất kém khiến dịch dai dẳng và ngày càng căng thẳng hơn, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp nên phá sản là đương nhiên”, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới) nhận xét.

Đối với việc doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản như trường hợp của RTW Retalwinds, theo chuyên gia, có thể coi là “phá sản nhưng không chết”.

“Khi dòng tiền không còn đủ nuôi doanh nghiệp nữa và họ buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản thì tất cả hoạt động của doanh nghiệp dừng lại. Họ sẽ trì hoãn việc trả nợ để thực thi kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, qua đó phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các khoản công nợ của những doanh nghiệp này cũng chưa biết đến khi nào được giải quyết, dù luật pháp của Mỹ vẫn công nhận doanh nghiệp đang nợ các đối tác chừng nào tiền”, ông Bùi Ngọc Sơn cho biết.

Chủ sở hữu chuỗi thời trang The New York & Co – một trong những đối tác lớn nhất của May Sông Hồng tại Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trong khi vẫn còn nợ doanh nghiệp phía Việt Nam 167 tỷ đồng. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, theo Ths Nguyễn Bình Minh (Đại học Thương mại), thứ tự ưu tiên trả nợ của doanh nghiệp Mỹ ra sao còn tùy thuộc vào quy định của Luật doanh nghiệp Mỹ, tuy nhiên, nhìn chung, các luật doanh nghiệp trên thế giới thường ưu tiên trả nợ chính phủ trước (các khoản thuế), rồi tới trả lương cho người lao động, sau đó mới đến các chủ nợ, cổ đông…

Các chuyên gia đều khẳng định, đến khi nào doanh nghiệp Việt mới có thể thu hồi được nợ còn tùy thuộc vào thủ tục của Mỹ.

“Doanh nghiệp Việt đành phải chấp nhận chuyện này, chờ các thủ tục ở Mỹ được tiến hành, cho đến khi tiến trình cấu trúc lại nợ hoàn thành thì mới có thể kết luận được.

Ví dụ, nếu doanh nghiệp phá sản và ngân hàng Mỹ rao bán, nhà đầu tư mua lại và họ sẽ nhận trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bùi Ngọc Sơn nói.

Bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại quốc gia này lại ngày càng căng thẳng nên các ý kiến đều cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch chuẩn bị chống đỡ để giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Theo đó, doanh nghiệp cần thông báo với các đối tác, với các chủ nợ vay, chẳng hạn như ngân hàng, để họ có kế hoạch thu xếp lại nợ, giãn nợ… cho doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng sức đề phòng: cái gì không cần thiết thì phải thu gọn lại, bán bớt đi, chuẩn bị sẵn sàng bỏ “tiền nhà” ra duy trì hoạt động.

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn đánh giá, ở thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp nào dự phòng nhiều thì doanh nghiệp đó sống sót.

Như trường hợp của May Sông Hồng, công ty đã dự đoán trước tình hình ở Mỹ cũng như của đối tác RTW Retailwinds nên đã trích lập dự phòng một phần từ quý 1 và sẽ tiếp tục trích lập vào các tháng tiếp theo.

Đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tài chính của May Sông Hồng nhưng theo chuyên gia, đây đã là một điều may mắn bởi ít ra doanh nghiệp có lợi nhuận để thực hiện việc trích lập này.

Còn Ths Nguyễn Bình Minh cho rằng, dù doanh nghiệp trích lập dự phòng trước nhưng sẽ không ăn thua, thiệt hại của doanh nghiệp khi đối tác đệ đơn phá sản là không nhỏ.

“Lúc này khoản nợ của doanh nghiệp trở thành nợ khó đòi và nó có thể mất, khi ấy doanh nghiệp phải hạch toán nó thành một khoản lỗ. Trong kinh doanh, tình huống này là bất khả kháng. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải chẩn đoán trước tình hình tài chính của đối tác, ký hợp đồng trong hạn mức cho phép và phải thẩm định. Nhiều trường hợp, trong quá trình ký hai bên chưa cảm thấy tin tưởng nhau còn phải có một đơn vị tư vấn tài chính đứng ra kiểm tra”, ông Minh cho biết.

Về phía nhà quản lý, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng, ưu tiên hàng đầu lúc này không phải là mục tiêu tăng trưởng và tìm cách để kích thích tăng trưởng mà đây là giai đoạn cần chịu đựng để sống sót.

Bởi vậy, bên cạnh việc miễn thuế, cần trợ cấp cho những khu vực kinh tế, dân cư bị tổn hại bởi dịch Covid-19. Doanh nghiệp phải dùng đến quỹ dự phòng của mình, còn đối với người dân mất việc làm cần có các chương trình trợ cứu, thậm chí kêu gọi người giàu chia sẻ một phần để giúp đỡ người dân nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 của ngành dệt may chỉ đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ.

Cộng cả xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15,5 tỷ USD.

Báo Đầu tư dẫn lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết,  tình trạng sẽ còn khó khăn hơn nữa ở quý III và còn tiếp tục kéo dài sang năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 32 tỷ USD, giảm 7 tỷ USD so với thực hiện của năm 2019 và hụt 10 tỷ USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.

“Nếu đến tháng 12/2020 thế giới không kiểm soát được đại dịch, nhu cầu may mặc toàn cầu sẽ giảm sâu vào cuối năm 2021.

Kỳ vọng kiểm soát được thì có thể nghĩ đến khả năng hồi phục vào cuối Quý 4/2021 và ảnh hưởng vẫn còn kéo sang năm 2022. Đại dịch chắc chắn sẽ vẫn là thách thức trong vòng 2 năm tới”, ông Giang nhấn mạnh.

Theo Baodatviet


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *