Bất chấp sự sôi động trên thị trường chứng khoán thế giới, Bitcoin lại quay đầu lao dốc mạnh, có thời điểm rơi xuống còn 56.600 USD.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa, giá Bitcoin bất ngờ lao dốc xuống mức 56.600 USD, thấp nhất kể từ đầu tháng. Hiện đồng tiền số đang được lực cầu kéo về giao dịch tại ngưỡng 58.000 USD.
Cú rớt giá đã khiến nhiều lệnh vị thế của nhà đầu tư bị thanh lý trên kênh phái sinh. Thống kê của CoinGlass ghi nhận hơn 57.500 tài khoản giao dịch đã bị thanh lý với tổng giá trị thiệt hại khoảng 221 triệu USD. Trong đó, lệnh giá trị nhất lên tới 10 triệu USD.
Thực tế, kể từ thời điểm hồi phục lên trên ngưỡng 62.000 USD hôm 9/8, giá Bitcoin bắt đầu suy yếu và quay đầu giảm dần đến nay. Nhịp điều chỉnh nhanh chóng kéo vốn hóa đồng tiền số lớn nhất thế giới xuống còn 1.140 tỷ USD.
Những thông tin tích cực mới được tiết lộ như việc Goldman Sachs và Morgan Stanley đã rót hơn 600 triệu USD vào các quỹ giao dịch trao đổi ETF Bitcoin giao ngày trong quý II cũng chưa cho thấy sự hỗ trợ đối với đồng tiền mã hóa này.
Là đồng tiền mã hóa dẫn đầu, Bitcoin gây ra ảnh hưởng lớn lên thị trường và khiến nhiều mã cùng ngành lao dốc. Trong khung 7 ngày qua, Ethereum đã giảm 4%, Solana giảm 10,2%, XRP giảm 8%, Dogecoin giảm 4,8% còn Cardano giảm 7,9%. Vốn hóa toàn thị trường cũng vì thế mà giảm xuống sát 2.000 tỷ USD.
Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với sự khởi sắc trên thị trường tài chính truyền thống thế giới.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, kết thúc phiên 15/8, chỉ số Dow Jones tăng 554 điểm (+1,39%) lên mức 40.563 điểm; S&P 500 tăng 1,61% lên 5.543 điểm; Nasdaq Composite tăng 2,34% lên 17.594 điểm. Chỉ số thị trường rộng cũng đã tăng khoảng 8% sau khi điều chỉnh dữ dội vào phiên 5/8.
Các số liệu gần đây của kinh tế Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tăng 1% trong tháng 7, vượt xa ước tính của Dow Jones là 0,3%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng giảm trong tuần vừa rồi.
Những dữ liệu này củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đợt bán tháo vào đầu tháng 8, vốn liên quan đến báo cáo việc làm đáng thất vọng của tháng 7.
Thị trường châu Á – Thái Bình Dương cũng ghi nhận nhiều chỉ số tăng mạnh như Nikkei 225 và Topix đều bật tăng hơn 2%. Kospi của Hàn Quốc cũng có biên độ tăng hơn 1,8%, trong khi Kosdaq đại diện rổ cố phiếu vốn hóa nhỏ tăng 1,13%.
Theo Znews