Giá vàng khó bứt phá trong lúc đợi báo cáo lạm phát Mỹ

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Một báo cáo vừa được công bố cho thấy các quỹ ETF vàng toàn cầu mua ròng trong tháng 6 vừa qua, nhưng xu hướng từ đầu năm đến nay của lực lượng này vẫn là bán ròng…

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Ba (9/7) trong bối cảnh đồng USD vững giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhích lên, khi nhà đầu tư chờ Mỹ công bố các số liệu lạm phát mới trong tuần này để có thể định hướng rõ ràng hơn về đường đi của lãi suất.

Một báo cáo vừa được công bố cho thấy các quỹ ETF vàng toàn cầu mua ròng trong tháng 6 vừa qua, nhưng xu hướng từ đầu năm đến nay của lực lượng này vẫn là bán ròng.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 5,4 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,2%, đạt 2.365 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Lúc gần 7h sáng nay (10/7) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.366 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 72,6 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Giá vàng khó bứt phá khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt tăng nhẹ, chốt phiên ngày thứ Ba ở mức 105 điểm. Sáng nay, chỉ số tiếp tục đi lên, đạt ngưỡng 105,1 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng nhích lên, ghi nhận mức tăng 2,7 điểm cơ bản, đạt 4,295%

Theo chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Các số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy sự suy yếu, nhất là trên thị trường việc làm và tiêu dùng, củng cố khả năng Fed sớm chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ.

Điều trần trước Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện Mỹ vào ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói lạm phát vẫn đang cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng đã có sự cải thiện trong những tháng gần đây. Dù vậy, ông Powell tiếp tục thận trọng, nói rằng cần có thêm dữ liệu tích cực về lạm phát thì Fed mới có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 70% Fed có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9, giảm nhẹ từ mức 71% vào ngày thứ 2 – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

“Thị trường đã mong ông Powell mềm mỏng hơn một chút, xét tới chuỗi dữ liệu kinh tế yếu gần đây. Nhưng ông ấy đã không mềm mỏng như kỳ vọng”, đồng giám đốc đầu tư Thomas Uranjo của công ty Sage Advisory nhận định.

Dù ông Powell còn một buổi điều trần nữa tại Hạ viện vào ngày thứ Tư, thị trường dự báo ông sẽ không đưa ra những tín hiệu khác so với ở buổi điều trần ở Thượng viện. Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư giờ đây chuyển sang các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 6 – hai báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố lần lượt vào ngày thứ Năm và thứ Sáu.

Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading Economics.

Trưởng phân tích Han Tan của công ty Exinity Group cho rằng nếu các báo cáo này cho thấy lạm phát “cứng đầu”, giá vàng có thể không giữ được thành quả tăng gần đây.

Ngày thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định giá nhà còn cao đang là một nguyên nhân chính khiến lạm phát ở Mỹ chưa thể giảm về mục tiêu. Tuy nhiên, bà dự báo lạm phát sẽ tiếp tục suy yếu bởi các yếu tố như gián đoạn nguồn cung và sự thắt chặt của thị trường lao động đã dần được giải tỏa.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ số CPI toàn phần tháng 6 của Mỹ được dự báo tăng 3,1%, giảm tốc từ mức tăng 3,3% ghi nhận trong tháng 5, trong khi lạm phát lõi được dự báo đi ngang ở mức 3,4%.

Theo báo cáo vừa được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, tổng khối lượng vàng mà các quỹ ETF trên toàn cầu nắm giữ đã tăng 17,5 tấn trong tháng 6, tương đương giá trị tăng thêm 1,4 tỷ USD. Đây là tháng thứ hai liên tiếp các quỹ ETF vàng toàn cầu tăng lượng nắm giữ.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm, các quỹ ETF vàng toàn cầu đã bị rút vốn ròng 6,7 tỷ USD, đánh dấu 6 tháng đầu năm bị thoái vốn mạnh nhất kể từ năm 2013.

Các quỹ ETF vàng niêm yết ở châu Âu mua ròng 17,9 tấn vàng trong tháng 6, trị giá 1,42 tỷ USD. Trong khi đó, các quỹ ETF vàng ở Bắc Mỹ bán ròng 8,2 tấn vàng, trị giá 573 triệu USD.

Châu Á tiếp tục giữ một vai trò trụ cột trong xu hướng tăng giá của vàng, khi các quỹ ETF vàng niêm yết ở khu vực này đã có 16 tháng mua ròng vàng liên tiếp. Trong tháng 6, các quỹ ETF vàng châu Á mua ròng 7,2 tấn vàng, trị giá 560 triệu USD.

Theo Vneconomy