TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, quy định các doanh nghiệp phải có dấu đỏ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trước khi xuất khẩu gạo cần phải được bỏ đi.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được thành lập cuối năm 1989 với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Xuất khẩu lương thực với trên 40 doanh nghiệp quốc doanh là thành viên.
VFA được kỳ vọng là “cánh tay nối dài” của Chính phủ trong việc quản lý ngành gạo, đặc biệt trong thời kì cạnh tranh về giá trở nên khốc liệt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, VFA đang vấp phải một số chỉ trích cho rằng: VFA chỉ tập trung chủ yếu bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp Nhà nước thay vì đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh sản xuất lúa gạo có sự hiện diện của VFA cũng gặp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng tạo ra rào cản và sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, TheLEADER đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của VFA trong việc xuất khẩu gạo đi các nước khi buộc phải qua hiệp hội mới được xuất khẩu?
- Nguyễn Đức Thành: Điều này đã được quy định trong Nghị định 109 và việc có đóng dấu của VFA rất phiền hà.
Theo tôi, sắp tới cần phải bỏ đi vì nếu không, VFA sẽ trở thành một cơ quan hành chính Nhà nước thực sự bởi nếu không có dấu đỏ của VFA, dù doanh nghiệp có đáp ứng đủ những điều kiện về hải quan hay Bộ Công thương thì cũng không thể xuất khẩu được.
Chính sách này trước đây được đưa ra là do chính VFA vận động để đưa vào vai trò của mình, tạo ra một điều kiện kinh doanh và cũng rất phiền hà cho các doanh nghiệp.
- Nguyễn Đức Thành.
Ông đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng, đang có sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn cùng xuất khẩu gạo?
- Nguyễn Đức Thành: Việc thiếu công bằng này, xét theo khía cạnh kinh doanh là khả năng xâm nhập vào thị trường cũng như quyền được xuất khẩu trực tiếp.
Sự thiếu công bằng này xảy ra là do Nghị định 109, do vai trò của VFA ở trên thị trường. Những doanh nghiệp Nhà nước hoặc những doanh nghiệp tư nhân rất lớn đã có đủ điều kiện sẵn thì họ gần như được quyền làm điều đó.
Doanh nghiệp nhỏ thì đơn giản là không đủ điều kiện kinh doanh như vậy và những điều kiện ấy họ muốn có khả năng cũng không thể làm được và nếu để làm được thì rất vòng vèo.
Đấy là sự bất bình đẳng rất lớn trong kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ khi mà họ có sản phẩm tốt, giá trị gia tăng cao. Theo tôi, đó chính là tương lai của ngành gạo Việt Nam.
Còn nếu chúng ta không thay đổi được sự thiếu công bằng thì gạo Việt Nam sẽ bị kẹt trong thế là chỉ xuất khẩu gạo quy mô lớn nhưng chất lượng rất thường, không có gì đặc biệt.
Vậy theo ông, cần cải tổ Nghị định 109 như thế nào?
- Nguyễn Đức Thành: Nghị định 109 quy định những điều kiện để một doanh nghiệp có thể được phép trực tiếp xuất khẩu gạora thế giới và rất nhiều điều kiện được đặt ra cùng một lúc, làm cho các doanh nghiệp rất khó đáp ứng được. Ví dụ như phải có sản lượng xuất khẩu hàng năm hàng vạn tấn hay phải có nhà kho diện tích bao nhiêu.
Kết quả là hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp dù nhỏ, nhưng có sản phẩm rất đặc biệt, giá trị gia tăng rất cao nhưng do sản lượng nhỏ nên không thể xuất khẩu.
Vì thế, họ buộc phải xuất khẩu qua những doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn, tạo ra sự phiền hà khi các doanh nghiệp này phải trả một phần phí cũng như những bí mật kinh doanh cũng bị tiết lộ.
Ngay cả những người nhập khẩu cũng rất không hài lòng khi mua từ anh A mà thực sự anh B mới là người bán.
Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm tốt nhưng không tham gia được vào thị trường xuất khẩu.
Hiện nay tôi biết Bộ Công thương đã sửa đổi nhiều trong Nghị định 109, bỏ đi rất nhiều và đồng thời cũng bỏ đi vai trò của VFA. Trước đây VFA đã có ảnh hưởng rất nhiều đến Nghị định 109, bây giờ bỏ đi vai trò của VFA để đưa hiệp hội đúng về vai trò của một hiệp hội ngành hàng chứ không phải là một cơ quan cánh tay nối dài của Chính phủ.
Theo ông tương lai ngành lúa gạo Việt Nam sẽ như thế nào?
- Nguyễn Đức Thành: Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn sẽ là một nước có lợi thế xuất khẩu lúa gạo nhưng vai trò của xuất khẩu gạo trong xuất khẩu nói chung sẽ giảm dần.
Vì sự phát triển chung của đất nước, nhiều mặt hàng, ngay cả trong nông nghiệp như thủy sản, trái cây, rau quả sẽ tăng lên với giá trị gia tăng lớn hơn. Ngoài ra những ngành không phải nông nghiệp cũng sẽ lớn lên khiến ngành gạo bị thu hẹp.
Vì chính bối cảnh như vậy, chúng ta nên hướng vào thị trường hẹp hơn, có giá trị gia tăng cao hơn với những loại gạo đặc chủng hơn, tinh hơn, tạo được thương hiệu nhiều hơn thay vì xuất khẩu đại trà như hiện nay.
Xin cám ơn ông!
Theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, VFA có thẩm quyền trong việc thực hiện đăng kí hợp đồng xuất khẩu gạo cũng như thẩm quyền phân bổ tới 80% hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung cho các thương nhân.
VFA được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện nhưng vị trí Chủ tịch lại do Bộ Công thương phê chuẩn và thường luân phiên giữa lãnh đạo Vinafood I và Vinafood II.
Quang Quyết/Theleader