Hai ông lớn Heineken, Coca-Cola sẽ bị thanh tra thuế

Cục thuế TP sẽ tập trung thanh tra thuế các doanh nghiệp như Heineken, Coca-Cola.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa cho biết sẽ tập trung thanh tra kiểm tra tại các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) báo lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo đó, tại Hội nghị tổng kết công tác thuế 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh (ngày 15/1), ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế cho rằng đơn vị đã đạt nhiều thành tích tốt, thể hiện rõ nhất ở số thu vượt dự toán pháp lệnh và công tác thanh tra, kiểm tra thuế chất lượng.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh việc còn nhiều doanh nghiệp chưa được thanh tra, kiểm tra, trong khi có một số doanh nghiệp năm nào cũng tiếp nhận.

“Dẫu biết nguồn lực có hạn nên đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phân tích rủi ro, tuy nhiên cần cân đối để đảm bảo công bằng và hiệu quả”, ông Tuấn chỉ đạo.

Đặc biệt Cục Thuế TP cho biết, sẽ tập trung thanh tra kiểm tra tại các doanh nghiệp FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tương tự như Heineken và Coca-Cola.

Trước đó, Coca-Cola từng bị Cục thuế TP xếp vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Coca-Cola bị phạt và truy thu hơn 821 tỷ đồng, sau đợt thanh tra kéo dài trong giai đoạn 2007-2015. Doanh nghiệp này hiện đã nộp 471 tỷ đồng tiền thuế gốc trong số bị phạt và truy thu nói trên, gồm hơn 60 tỷ đồng thuế GTGT, hơn 359 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và gần 52 tỷ đồng thuế nhà thầu nước ngoài.

Cùng cảnh ngộ với Coca-Cola, Heineken bị phạt và truy thu hơn 917 tỷ đồng liên quan đến giao dịch chuyển nhượng 100% vốn cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch là 4.800 tỷ đồng.

Hiện tại, Heineken đã nộp đủ số tiền trên, nhưng khẳng định chưa đồng thuận với cơ sở đánh giá được đưa ra. “Doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore để làm rõ quyết định của Tổng cục Thuế”, đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Heineken, ông Johahn Bhurrut, cho biết.

Cục Thuế TP sẽ tập trung phân tích các hồ sơ có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn (dầu khí, xăng, điện lực, bất động sản) và ngành nghề kinh doanh mới (kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, games…). Đồng thời, các doanh nghiệp có ưu đãi, miễn giảm thuế hay doanh nghiệp xã hội hóa, khai thuế nhà thầu có số thuế nộp lớn cũng được triển khai thanh tra, kiểm tra thuế.

Ngoài ra, văn phòng công chứng, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, đồ gỗ, dệt may, da giày và nhựa cũng là những ngành hàng được Cục Thuế TP nêu tên trong hội nghị.

Năm 2019, Cục Thuế TP đã thanh tra, kiểm tra tại hơn 22.000 doanh nghiệp, đạt 94% kế hoạch đề ra. Tổng số thuế truy thu và phạt là 8.428 tỷ đồng, tăng 71,3% so với cùng kỳ, từ đó nộp ngân sách nhà nước 6.726 tỷ đồng.

Phúc Lâm

Theo Tieudung