Tuần này sự tập trung của dư luận xã hội đã và đang dồn cả vào hai vụ án lớn được đem ra xét xử cùng một ngày: vụ Ngân hàng Xây Dựng giai đoạn hai và vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng một số đồng phạm trong ngành dầu khí.

Những vụ án liên quan đến ngân hàng đã diễn ra không phải một lần trong suốt các năm qua, đến nỗi mỗi khi có thông tin về thất thoát tài sản, tham ô tham nhũng, rút ruột tiền bạc người ta lại tự phỏng đoán chắc “dính” đến ngân hàng nào đó, không hội sở thì chi nhánh, phòng giao dịch, không ở Hà Nội, TPHCM thì các địa phương. Riết rồi thành quen, tin tức về các vụ án ngân hàng không còn được bạn đọc quan tâm quá nhiều nữa.

Nhưng những người làm ngân hàng, cả “ông chủ” và giới nhân viên làm thuê, không nghĩ như vậy. Họ cảm thấy đau đớn khi ngành nghề nơi họ làm việc, liên tục bị “điểm danh”. Bà Trần Thị Việt Ánh, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank), gắn bó với ngân hàng hơn ba mươi năm, cảm nhận kinh doanh tiền tệ giờ đây cực quá, áp lực quá, mà áp lực nhất là giữ cho được chữ tín và sự trong sạch.

Bà nói những người làm ngân hàng, hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với tiền bạc từ trực tiếp như bộ phận ngân quỹ đến gián tiếp như tín dụng, ngoại hối, tiếp thị… phải tự răn đe bản thân. Lòng tham ở những môi trường khác có thể không có điều kiện nảy sinh, còn lòng tham trong môi trường ngân hàng dễ “đâm chồi nảy lộc” lắm.

Cách đây chưa lâu, vụ án Ngân hàng Xây dựng giai đoạn một, vụ án OceanBank còn để lại dư âm của mối quan hệ lòng vòng giữa Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, và đặc biệt mối quan hệ với một số cựu quan chức tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam).

Đó dường như là sự mở đầu, là luồng ánh sáng soi rọi đầu tiên vào một số góc khuất của một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Chữ “tín” của PetroVietnam đang bị thử thách. Đấy không đơn giản là chữ “tín” trong kinh doanh, đấy là chữ “tín” về phẩm giá, về lòng tin của công chúng vào những người cựu lãnh đạo cao nhất của một tập đoàn nhà nước.

 

Quy mô và độ sâu của vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh không chỉ nằm ở số tiền bạc của Nhà nước đã mất, đã thất thoát, đã bị tham ô, mà còn ở chính sự mất mát của một bộ phận cán bộ, những người đã từng là rường cột của PetroVietnam, thậm chí Ủy viên Bộ Chính trị, rường cột lãnh đạo đất nước.

Nỗi đau ở đây thấm thía, ẩn chặt, lặn sâu hơn nhiều so với nỗi đau mất tiền, mất cán bộ, mất doanh nhân của một vài ngân hàng. Thấm thía bởi đa số các “ông chủ” ngân hàng thuộc giới dân doanh, họ thuần túy là dân làm ăn, họ không phải đảng viên, không được quy hoạch, không phải quan chức nằm trong bộ máy công quyền.

Một số “ông chủ” tổ chức tín dụng dân doanh ấy rút ruột ngân hàng, cấu kết với nhau làm thất thoát tiền, gây thiệt hại cho ngân hàng, song họ không có “cơ hội” tham nhũng quyền lực, sử dụng quyền lực trên bình diện vĩ mô để gây thiệt hại uy tín của khối quốc doanh – lực lượng chủ đạo của nền kinh tế.

PetroVietnam đang trong những ngày khó khăn, khó khăn bởi là mắt bão sự chú ý của dư luận công chúng. Những thông tin mang tính tích cực như PetroVietnam hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước trong bối cảnh giá dầu thô quốc tế mới chỉ nhúc nhích ra khỏi vùng đáy, đã không đủ sức lôi kéo dư luận ra khỏi sự tập trung vào những cái tên cựu quan chức cấp cao của tập đoàn liên quan đến vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh.

Chưa hết. Còn hàng loạt dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng của PetroVietnam đang trong quá trình xử lý cả về hai mặt kinh tế và trách nhiệm. Cũng còn đó những dự án đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn Dầu khí tại Venezuela, Peru mà hiệu quả đầu tư là dấu hỏi to đùng.

Giới doanh nhân thường tâm niệm “mất tiền có thể làm lại được, nhưng mất uy tín là mất tất cả”. Chữ “tín” của PetroVietnam đang bị thử thách. Đấy không đơn giản là chữ “tín” trong kinh doanh, đấy là chữ “tín” về phẩm giá, về lòng tin của công chúng vào những người cựu lãnh đạo cao nhất của một tập đoàn nhà nước.

Nói gì thì nói và nhìn dưới góc độ nào tùy thuộc quan điểm mỗi bạn đọc, song vụ án Đinh La Thăng sẽ là một dấu vết trong lịch sử ngành dầu khí, lịch sử PetroVietnam như một ấn chỉ quá khứ không dễ phai mờ.

Trên hết còn đó đau đáu một câu hỏi: vì sao những vụ việc tiêu cực lại có thể xảy ra dưới thời ông Đinh La Thăng ở PetroVietnam? Mắt xích nào đã bị buông lỏng, đã trở nên lạc hậu, không còn theo kịp sự biến chuyển của kinh tế, của phẩm chất cán bộ trong cơ chế quản lý PetroVietnam nói riêng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung?

Trước đây sai phạm đã từng diễn ra ở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vinashin (để lại hậu quả đến tận giờ), Tổng công ty Hàng hải khiến cho việc khắc phục hậu quả tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức của các bộ, ngành và của cả người đóng thuế.

Một khi cơ chế quản lý có lỗ hổng, thì trách nhiệm thuộc về ai, về cơ quan quản lý nào?

Hải Lý/Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *