Mỹ phẩm cho nam giới “gặt hái” tỷ USD

Xu hướng sản xuất sản phẩm làm đẹp cho nam giới chưa bao giờ sôi động như những năm gần đây. Đại dịch Covid- 19 trở thành cú hích quan trọng thúc đẩy ngành mỹ phẩm toàn cầu thay đổi trên diện rộng nhằm nỗ lực phá bỏ định kiến cổ điển về giới…

Tổng giá trị thị trường mỹ phẩm cho nam giới đã vượt mức 63 tỷ USD trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện ở mức 9,4%. Dự đoán, thị trường sản phẩm làm đẹp cho nam có thể đạt trị giá hơn 130 tỷ USD trước năm 2030, theo Custom Market Insights (CMI).

BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG NHU CẦU LÀM ĐẸP

Ảnh hưởng từ các thần tượng idol Kpop, nam giới Hàn Quốc có xu hướng quan tâm đến mỹ phẩm nhiều hơn so với các quốc gia khác. Theo GlobalData, có đến 3/4 nam giới Hàn Quốc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc và da hàng ngày. Con số này đặc biệt cao hơn ở Gen Z và Gen Y, khi có đến 58% người trẻ sinh từ năm 2000 thực hiện các liệu pháp chăm sóc sắc đẹp ít nhất 1 lần/tuần, chiếm 34% nam giới xứ Hàn.

Theo CJ Olive Young, nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp lớn nhất Hàn Quốc, trong nửa cuối năm 2023, số lượng sản phẩm mỹ phẩm dành cho nam giới của công ty này tăng lên gần 40% so với năm ngoái. Công ty mỹ phẩm lớn nhất của Hàn Quốc AmorePacific cũng đang tăng cường đầu tư cho thương hiệu mỹ phẩm dành cho nam giới B.READY.

Kể từ khi ra mắt thương hiệu vào năm 2019, B.READY đã cho thấy mức tăng trưởng doanh thu hàng năm là 68%. Theo nhà nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor, quy mô thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới trong nước của Hàn Quốc ước tính đạt khoảng 1,1 ngàn tỷ Won (821,6 triệu USD) trong năm 2023, dự kiến sẽ tăng lên 1,16 ngàn tỷ Won vào năm 2025.

Các thương hiệu Nhật Bản cũng trong cuộc đua với mỹ phẩm Hàn Quốc – vốn thống trị thị trường làm đẹp nam giới ở Nhật. Thị trường này được dự đoán trị giá khoảng 160 tỷ Yen (1,17 tỷ USD) vào năm 2024, theo Nikkei Asia. Tháng 6 năm ngoái, Shiseido đã giới thiệu Sidekick, dòng sản phẩm mới đầu tiên dành cho nam giới kể từ khi ra mắt vào năm 2003. Đại diện của Shiseido cho biết: “Doanh số mỹ phẩm dành cho nam giới đã tăng nhanh hơn dự kiến. Chúng tôi sẽ xem xét việc mở các cửa hàng ở Trung Quốc để có thể khai thác thị trường tiềm năng này”.

Có thể nói, ở châu Á, thông điệp bình đẳng về quyền làm đẹp tạo ra sức hút rất riêng. Matteo Chung, nhà sáng lập Cary Regimen – thương hiệu mỹ phẩm dưỡng da cho nam giới tại Hồng Kông (Trung Quốc) – đề cập đến một “khoảng trống thị trường” mà anh sớm nhận ra. “Bất luận thuộc giới tính nào, vấn đề ngoại hình khiến mọi người lo âu hơn cả là làn da xuống cấp do nhịp sống tất bật, mệt mỏi. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, nam giới không dễ chủ động tìm hiểu sản phẩm chăm sóc, bảo vệ da khi cần thiết”, ông Chung nhận xét.

Tất nhiên, nam giới có thể sử dụng mỹ phẩm dành cho phái đẹp, nhưng sự khác biệt về cấu trúc da cũng như sở thích về mùi hương cũng như tính cách khiến họ không cảm thấy thoải mái. Chính sự khác biệt đó đã thúc đẩy các hãng mỹ phẩm toàn cầu chú ý đến thị trường đầy tiềm năng này. Bên cạnh đó, tại Mỹ và châu Âu, nhiều nam beauty blogger (những người chia sẻ bí quyết, xu hướng làm đẹp trên mạng xã hội) thu hút hàng chục triệu người theo dõi qua kênh Instagram, YouTube, TikTok… Những cái tên như Manny Gutierrez, Jake-Jamie, Jeffree Star, James Charles, Wayne Goss, Gabriel Zamora… ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp làm đẹp.

Các thương hiệu cao cấp nhanh chóng nhập cuộc. Boy de Chanel tung ra nhiều sản phẩm dành cho nam giới như toner dưỡng ẩm, kem nền dưỡng ẩm, son dưỡng môi và chì kẻ lông mày. Tháng 7/2023, Estee Lauder công bố màn hợp tác cùng các ngôi sao thuộc CLB bóng đá Manchester United quảng bá dòng sản phẩm serum ban đêm “Advanced Night Repair” nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng nam tại thị trường châu Á- Thái Bình Dương. Tháng 8/2023, thương hiệu Prada ra mắt Prada Beauty, nhãn hàng mỹ phẩm và chăm sóc da dành cho cả nam và nữ…

Theo Vneconomy