Trước kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của một số nhà băng, cùng với sự cải thiện tích cực của hoạt động tín dụng và quá trình tái cấu trúc ngành, làn sóng đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng Việt của nhà đầu tư ngoại, nhất là các quỹ hoạt động tại Việt Nam, đang dần trở lại.
Thu về hàng trăm triệu USD
Trước thềm niêm yết vào đầu năm 2018, HDBank vừa hoàn tất thương vụ bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, Ngân hàng đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc với nhà đầu tư, giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu HDBank tại Singapore, Hồng Kông, Bangkok (Thái Lan), London (Anh) và Seoul (Hàn Quốc). Theo đó, đã có 76 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mua cổ phiếu HDBank với lượng đặt mua gấp 3 lần chào bán từ các cổ đông hiện hữu.
Theo ông Lê Thành Trung, đợt chào bán thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài trước thềm niêm yết sẽ gia tăng tiềm lực tài chính cho HDBank. Trong số 76 nhà đầu tư nói trên, có nhiều định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund (Anh), Macquarie Bank (Australia)…
Cuối tháng 10/2017, Quỹ VOF của Tập đoàn VinaCapital đã rót khoảng 11 triệu USD để sở hữu gần 5% cổ phần của OCB. HĐQT ngân hàng này cũng đã trưng cầu ý kiến của cổ đông về việc ủy quyền cho HĐQT quyết tỷ lệ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB, nhưng tổng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ khác theo quy định pháp luật.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho hay, Ngân hàng sẽ bán 50% cổ phần với giá tối thiểu 700 triệu USD. SCB đang đàm phán với 6 nhà đầu tư, gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm đến từ Na Uy, Indonesia, Đài Loan và Trung Quốc. SCB sẽ trình bản kế hoạch bán cổ phần lên Ngân hàng Nhà nước vào đầu năm sau và dự định sẽ hoàn tất thương vụ vào giữa năm 2018.
Trong số các quỹ ngoại rót tiền vào VPBank, Dragon Capital đã chi tới 1.000 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu VPBank trước khi nhà băng này niêm yết trong quý III/2017. Cụ thể, hai quỹ lớn nhất của Dragon Capital đang nắm hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu của VPBank. Theo báo cáo của Quỹ VEIL – một trong 2 quỹ của Dragon Capital đang nắm cổ phiếu của VPBank – khoản đầu tư vào cổ phiếu VPBank hiện chiếm 3,3% danh mục của Quỹ, tương đương 40,2 triệu USD.
Đón đầu niêm yết
HDBank đã hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE đầu năm 2018. Tính đến thời điểm 30/9/2017, tổng tài sản của HDBank tăng 16,2%, đạt 174.594 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý III/2017 của Ngân hàng đạt gần 825 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt gần 1.540 tỷ đồng. HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2016.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, Ngân hàng đã đề xuất niêm yết trên HOSE trước thời điểm kết thúc năm 2019. Cuối tháng 6/2017, OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 4.195 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối 2016. Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 805 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ.
Ngoài HDBank, OCB, thời gian tới, VIB, Techcombank… cũng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán chính thức. Năm 2017 đã chứng kiến làn sóng cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu có mức tăng giá tính bằng lần trên OTC và tăng từ 30 đến 70% trên hai sàn chính thức.
Những động lực thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng là thị trường chung lạc quan, bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực và nội tại các ngân hàng, hệ thống được cải thiện. Đó chính là những quy định về xử lý nợ xấu được thông qua như Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, những nỗ lực tái cơ cấu được triển khai đồng bộ và quan trọng là sức khỏe các ngân hàng tăng lên cùng với triển vọng lạc quan hơn trong các năm tới.
Theo Thùy Vinh
Báo Đầu Tư