‘Sập’ sàn chứng khoán TP.HCM: Thiệt hại lớn cho nền kinh tế

Sàn chứng khoán ít nhà đầu tư hơn bình thường khi hôm qua sàn HOSE ngưng hoạt động ẢNH: Đ.N.THẠCH

Hôm qua 23.1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngưng giao dịch do sự cố kỹ thuật một ngày trước đó khiến các thành viên thị trường đều thiệt hại nặng.

Mỗi ngày mất vài chục tỉ đồng

Giá trị giao dịch bình quân trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ đầu năm đến nay lên 9.000 – 10.000 tỉ đồng/phiên. Nếu tính mức phí giao dịch trung bình 0,2 – 0,3% mà các công ty chứng khoán đang thu của nhà đầu tư (NĐT) thì số phí thu được dao động từ 18 – 30 tỉ đồng/phiên. Đồng nghĩa với số tiền này mất đi khi thị trường ngưng giao dịch. Đó là chưa kể lượng vốn vay ký quỹ trên sàn chứng khoán theo thống kê cuối năm 2017 ước tính đạt 38.000 tỉ đồng và hằng ngày các NĐT đều phải trả lãi vay.

Với mức lãi suất cho vay ký quỹ từ 0,03 – 0,04%/ngày thì số tiền lãi mà các NĐT phải trả cho công ty chứng khoán hay ngân hàng lên hơn 11 tỉ đồng. Như vậy nếu việc ngưng giao dịch bị kéo dài thì số thiệt hại càng tăng lên.

Nhưng đó mới chỉ là mức phí và lãi vay, còn quan trọng nhất chính là biến động giá cổ phiếu trên sàn. Nếu khi HOSE hoạt động trở lại mà giá các cổ phiếu bị sụt giảm thì người đang sở hữu sẽ thua lỗ nặng nề. Còn trường hợp giá tăng thì người đang giữ tiền và không thực hiện được giao dịch trước đó sẽ bị thiệt hại.

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, những thiệt hại nói trên chỉ là con số nhỏ nếu so với sự mất mát về uy tín, về niềm tin của NĐT vào thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung. Bản chất của TTCK là nơi huy động vốn, khi thị trường ngưng hoạt động, tâm lý NĐT sẽ bị ảnh hưởng và niềm tin vào thị trường bị sụt giảm rất lớn, kéo theo thanh khoản giảm và mọi thành phần tham gia trên thị trường đều bị thiệt hại.

TS Lê Đạt Chí phân tích: Ở một số nước, các đơn vị tổ chức, quản lý sàn giao dịch chứng khoán đều là doanh nghiệp tư nhân, tách biệt hoàn toàn với cơ quan quản lý nhà nước với chức năng giám sát. Do đó nếu NĐT chứng minh được thiệt hại của mình thì đơn vị tổ chức sàn giao dịch phải bồi thường thiệt hại.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các NĐT tài chính VN, nói thẳng cơ quan quản lý nhà nước cần xem lại công tác vận hành, quản lý của các sở giao dịch chứng khoán. Từ đó có thể thúc đẩy việc cổ phần hóa, chuyển các sở giao dịch chứng khoán thành công ty cổ phần và tách biệt với Ủy ban Chứng khoán nhà nước để hoạt động độc lập, chịu hoàn toàn trách nhiệm với mọi giao dịch đối với NĐT.

“Theo tôi hiểu với những giao dịch quan trọng như các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới đều có hệ thống dự phòng. Vì sao HOSE không có hệ thống này? Trong khi HOSE vẫn thu phí từ NĐT thông qua các công ty chứng khoán. Hoạt động dự phòng không ổn thì làm sao NĐT có thể đặt trọn niềm tin vào sự phát triển của TTCK VN?”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Có quyền khởi kiện

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch thành viên Công ty luật Basico, phân tích: thiệt hại trực tiếp cho các NĐT hiện nay khó chứng minh vì vẫn chưa khớp lệnh trong phiên giao dịch đóng cửa ngày 22.1. Thế nhưng thiệt hại gián tiếp đối với kinh tế vĩ mô nói chung và cả tâm lý, lòng tin NĐT nói riêng là rất lớn.

“Do HOSE và Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa công bố nguyên nhân cụ thể sự cố này nên cũng chưa xác định được đó là do chủ quan hay khách quan và ở mức độ nào. Nhưng về pháp lý, NĐT có quyền khởi kiện HOSE. Việc khởi kiện đó có được cơ quan thụ lý hồ sơ chấp thuận hay không và có đưa đến kết quả buộc bồi thường hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong đó quan trọng nhất là NĐT có thể chứng minh được thiệt hại của mình hay không, và lỗi của HOSE sẽ ở mức độ như thế nào? Nếu xác định lỗi của HOSE là hoàn toàn do yếu tố bất khả kháng thì có thể họ cũng được miễn trừ trách nhiệm bồi thường. Thế nhưng với việc gây ra thiệt hại gián tiếp cho NĐT và cả nền kinh tế thì tôi nghĩ rằng phải có quy định rõ về trách nhiệm của những người liên quan, tránh để những sự cố tương tự xảy ra nhưng không có ai chịu trách nhiệm”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Nghiêm và Chính, cũng khẳng định các NĐT hoàn toàn có thể khởi kiện khi chứng minh được thiệt hại của mình. Theo đó, NĐT có thể căn cứ vào chênh lệch giá sau khi sàn HOSE hoạt động trở lại với mức giá đóng cửa ngày 22.1. Từ đó nhân với khối lượng giao dịch của mình đã đặt lệnh vào cuối ngày 22.1 để tính mức thiệt hại.

HOSE tiếp tục ngừng giao dịch trong ngày 24.1

Vào lúc 19 giờ 30 ngày 23.1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo sẽ tiếp tục tạm ngừng giao dịch ngày 24.1. Cụ thể, HOSE cho biết đã tiến hành kiểm tra và xử lý sự cố hệ thống giao dịch ngày 22.1. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và chính xác cho hệ thống giao dịch, HOSE tiếp tục tạm ngừng giao dịch ngày 24.1 để kiểm thử với các công ty chứng khoán thành viên toàn thị trường trước khi chính thức mở cửa thị trường trở lại.

 

Theo Mai Phương

Thanh Niên