Tham nhũng – một trong những “nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” vẫn đang diễn biến rất phức tạp và gây nhức nhối. Bởi ở bất cứ nền kinh tế nào, chế độ nào, tham nhũng luôn là kẻ hủy diệt sự thịnh vượng, cản trở mọi nỗ lực vươn tới phồn vinh. Do đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta phải thực sự là cuộc cách mạng của toàn dân chống lại “giặc nội xâm”.
Bài 1: Nỗi đau đằng sau những đại án ngàn tỷ
Gợi mở các vấn đề để Ban Chấp hành Trung ương thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7 (Khóa XII) vừa khai mạc tại Hà Nội ngày 7/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến tình trạng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cấp chiến lược vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đó cũng là thực tế đau lòng của các vụ việc, vụ án lớn về kinh tế được các cơ quan chức năng điều tra, xét xử, bởi cùng hàng ngàn tỷ đồng bị thất thoát là nỗi đau mất niềm tin, mất cán bộ do tham nhũng, suy thoái.
Nóng đại án, vụ việc nổi cộm
Ngay trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7 với nhiều vấn đề đặc biệt quan trọng, được dư luận quan tâm như công tác cán bộ, cải cách tiền lương, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN, PVC, liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.
Xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN, PVC, liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, ngày 4/5, Ban Bí thư thông báo quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng và xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội. Bà Thanh được xác định có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong thực thi công vụ; ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án, mức độ “rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và của cá nhân bà”.
Đó là hai trong số những đại án, vụ việc nổi cộm cho thấy quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trước đó, dư luận cả nước đã dõi theo các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến những lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế như ngân hàng, tài chính, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, với nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp cao cả trong Đảng, các cơ quan công quyền, cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật, bảo vệ chế độ. Có thể kể đến các vụ án, vụ việc liên quan đến Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Châu Thị Thu Nga, Phan Văn Anh Vũ và các cựu lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng là Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến; vụ việc liên quan đến Phan Văn Vĩnh, Pha n Hữu Tuấn, Nguyễn Thanh Hóa, Phùng Danh Thắm…
Nỗi đau mất niềm tin, mất cán bộ
Không khó để thống kê các con số thất thoát, các khoản tiền khổng lồ đã “bốc hơi” theo những sai phạm tại các đại án.
Ngay cả những vụ việc, những dự án nổi cộm mà dư luận quan tâm, bức xúc như loạt dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cũng cho thấy, đã có hàng chục ngàn tỷ đồng được chủ các dự án “tính nhầm”. Cụ thể, đến hết tháng 9/2017, qua kiểm toán 22 dự án BOT giao thông, KTNN kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng.
Song, hậu quả của những đại án đó không chỉ là những con số trăm tỷ, ngàn tỷ đồng thống kê được, mà còn là những mất mát khó có thể đo đếm bằng tiền. Hậu quả bao trùm nhất, lớn nhất, như Trung ương đã khẳng định, là đe dọa cả sự tồn vong của Đảng, của chế độ, bởi nó làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, với bộ máy nói chung.
Quả thực, khi mà vẫn còn đó bao nông dân mất ăn, mất ngủ với tình trạng nông sản được mùa rớt giá, bao công nhân chật vật lo có cuộc sống tối thiểu, bao công chức mong được mua một căn nhà ở xã hội làm chỗ trú nắng mưa, mong một mức lương đủ trang trải cuộc sống, đủ lo cho con cái được đến trường… thì các vụ việc thất thoát trăm tỷ, ngàn tỷ cùng những lãnh đạo chỗ này, chỗ khác được nhắc đến với các câu chuyện “lót tay” nhau tiền tỷ chỉ như món quà vặt… không khỏi tạo nên sự phản cảm, sự xót xa trong xã hội.
PGS.TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore) nhìn nhận ba phương diện “hủy hoại lớn và lâu dài” của tệ tham nhũng.
Thứ nhất, nó tạo nên một văn hóa phi chân chính chi phối hành vi của toàn xã hội. Người ta có thể bỏ tiền chạy chọt để hưởng lợi, làm giàu, lên chức vị cao. Cuộc “chạy đua xuống đáy” này không chỉ làm hình ảnh xã hội bị hoen ố, mà còn làm rất nhiều tài năng và sinh lực của đất nước bị sử dụng, lạm dụng thiên lệch vào hành vi tàn hại này.
Thứ hai, do tham nhũng, nguồn lực xã hội sẽ bị “trộm cắp”, bố trí sai lầm vào các dự án kém hiệu quả, hoặc được quản lý bởi những cán bộ có năng lực và phẩm chất kém do được cất nhắc lên qua con đường chạy chọt.
Thứ ba, tham nhũng làm niềm tin xã hội suy giảm, lòng người ly tán. Nguy cơ khủng hoảng tích tụ, tiềm ẩn và sẽ bùng phát khi gặp bối cảnh thuận lợi cho nó, như khi nền kinh tế gặp khó khăn do biến động quốc tế hoặc trải qua chu kỳ điều chỉnh.
Còn trong câu chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương không giấu được sự bức xúc khi nhắc đến hậu quả của thứ “giặc nội xâm” này. Nhưng theo ông Hương, trong bối cảnh hiện nay, cần nhấn mạnh đến hậu quả của tham nhũng đối với nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính.
“Nếu không chống tham nhũng được thì nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nỗ lực khởi nghiệp…. sẽ gặp một lực cản lớn, thậm chí là đi ngược lại những nỗ lực đó. Chính phủ kiến tạo là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ không tham nhũng. Kiến tạo phải gắn liền với liêm chính, nếu không, hậu quả của tham nhũng sẽ triệt tiêu mọi nỗ lực phát triển. Chống tham nhũng thắng lợi thì như dẹp được loạn, đất nước mới tiến tới hưng thịnh”, ông Nguyễn Đình Hương nói.
+ Năm 2017, Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với hơn 3.600 tổ chức đảng và gần 10.400 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.
Nguồn: Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng
Chung quan điểm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, không có đất nước nào phát triển được khi mà cả hệ thống đang nỗ lực xây dựng thì “một bộ phận không nhỏ” lại đang bào mòn, gặm nhấm bằng những hoạt động tư lợi, bất chính. Theo ông, việc cơ quan chức năng phát hiện không phải một số mà là hàng loạt vụ việc phức tạp, nghiêm trọng thời gian vừa qua, gắn với nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao còn là một nỗi đau lớn – nỗi đau mất đi những cán bộ, đảng viên từng được Đảng và nhân dân tin cậy, gửi gắm trọng trách.
“Những vụ việc đó không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã diễn ra từ lâu, thậm chí cả 5 – 7 năm và lâu hơn, mà thời gian trước chúng ta chưa làm được. Nếu vừa qua, chúng ta không đưa được những vụ việc đó ra ánh sáng thì nó vẫn âm ỉ, như ung nhọt trong cơ thể, hủy hoại nền kinh tế, hủy hoại đất nước, liệu sẽ nguy hại thế nào?”, tướng Nguyễn Quốc Thước đặt câu hỏi.
Tham nhũng vặt âm thầm đục khoét
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) lại nhắc đến hậu quả ít được nhìn nhận của các vụ tham nhũng lớn, đó là tác động theo chiều rộng, là căn nguyên cho hành vi “tham nhũng vặt”.
PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore
“Tôi cho rằng, các vụ tham nhũng ngàn tỷ được dư luận xã hội chú ý vì nó như những điển hình của cặp đôi “tiền – quyền”, với số tiền lớn, liên quan những người quyền cao, chức to. Nhưng không được quên tình trạng tham nhũng vặt, chi tiền lót tay, phí bôi trơn âm thầm đục khoét, gặm nhấm tiền của, niềm tin của Nhà nước và nhân dân, với nguy cơ mất niềm tin và làm hỏng cán bộ. Mà ‘tham nhũng vặt’ có căn nguyên từ tham nhũng lớn. Cơ quan, đơn vị nào, người nắm quyền lực cao nhất mà trong sáng, làm gương, liêm chính thì không có tham nhũng vặt, vì cấp dưới có muốn cũng không dám làm. Chặn được tham nhũng lớn mà quên tham nhũng vặt thì cũng khó nói đến phát triển, hưng thịnh”, Thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng chia sẻ, khi tiếp xúc cử tri, cử tri và các tầng lớp nhân dân đặc biệt bức xúc với tình trạng “tham nhũng vặt” này.
“Tôi đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó là rất lớn, bởi nó có phạm vi rộng, xảy ra thường xuyên. Tình trạng này kéo dài thì không chỉ người dân mất niềm tin với bộ máy công quyền, mà chúng ta còn mất luôn nhiều cán bộ ở các cấp, vì họ cứ từ từ chuyển hóa, quen với sai phạm, đi từ sai phạm nhỏ đến những sai phạm lớn lúc nào không hay”, bà Hải bày tỏ.
Tham nhũng đã càn quét qua khắp các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội. Song đáng lo ngại hơn, tham nhũng đang ngày càng diễn biến tinh vi, sự tha hóa về quyền lực ngày càng chui sâu, leo cao, gây vô vàn khó khăn cho công cuộc phòng, chống tham nhũng.
(Còn tiếp)
Báo Đầu tư