Sau vụ cháy khu căn hộ cao cấp Carina Plaza thị trường chung cư đang khó khăn trăm bề. Căn hộ cao cấp đang trên đà lao dốc, không chủ đầu tư nào dám ra hàng. Còn khách hàng đã mua thì đua nhau bán cắt lỗ, tuy nhiên vẫn không một ai dám xuống tiền thâu tóm lại…
Cháy chung cư Carina, khách hàng lo lắng
Vụ cháy chung cư Carina Plaza vào ngày 23/3 khiến 13 người tử vong đã khiến thị trường bất động sản lao đao. Đây là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng buông lỏng quản lí trong công tác PCCC và “ham lợi nhuận”, xem thường tính mạng người dân.
Sau vụ cháy, hàng loạt chung cư bị kiểm tra và xử phạt. Công tác PCCC chung cư được đẩy mạnh và khách hàng ngày càng quan tâm.
Nhiều người dân e dè không dám xuống tiền để mua căn hộ. Các chủ đầu tư lo lắng vì không thể ra sản phẩm, hàng tồn đọng nhiều, ảnh hưởng đến tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản căn hộ, chung cư như có dấu hiệu đóng băng.
Tại các dự án chung cư cao cấp thì tình trạng càng tệ hơn. Khách hàng lo sợ và bắt đầu tháo chạy. Chủ đầu tư lo sốt vó. Kế hoạch tháo chạy khỏi căn hộ cao cấp ở TP.HCM đang tạo nên một làn sóng. Vụ lùm xùm ở Thủ Thiêm ngày càng đỉnh điểm cũng khiến người dân tìm cách bán tháo. Thị trường bán cắt lỗ căn hộ tại khu vực Thủ Thiêm tăng nhanh đến chóng mặt.
Điển hình như dự án Khu đô thị Sala Đại Quang Minh, nhiều nhà đầu tư đang tìm cách chạy “trốn”. Dự án đến nay phía Đại Quang Minh vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng nhưng việc bán căn hộ, biệt thự ở nơi đây diễn ra từ lâu, nhưng không biết bao giờ cấp sổ.
Ngoài ra, những lùm xùm xung quanh giá đất, tiền thuế đất truy thu… ai sẽ đóng cho khách hàng, nên họ lo sợ. Chính vì thế, khách hàng sợ bị truy thu thêm nhiều khoản, tốn thêm hàng tỷ đồng… nên đua nhau bán tháo để giảm bớt rủi ro. Trên mạng xã hội ngày càng nhiều thông tin báo tháo căn hộ, biệt thự, nhà phố tại Khu đô thị Sala Đại Quang Minh.
Điển hình việc bán th1o căn hộ cao cấp trong thời gian này là anh H., anh H. mới mua căn hộ Rivera Park (Q.10, chủ đầu tư Long Giang Land) chưa được sáu tháng đã rao bán lỗ 50 triệu đồng. Anh H. giới thiệu căn hộ diện tích 77 m2. Trước đây anh mua 3,2 tỷ đồng nhưng nay cần tiền làm ăn nên bán nhanh để thu hồi vốn. Anh H. hứa, nếu khách hàng thiện chí có thể thương lượng thêm.
Còn tại dự án Hà Đô Centrosa (Q.10) nhiều khách hàng gửi môi giới bán căn hộ với giá bán hoàn vốn hoặc lỗ từ 50 triệu – 200 triệu đồng/căn. Theo một nhân viên môi giới thì đây là số căn hộ do khách hàng gặp khó khăn về tài chính nên gửi công ty bán gấp.
Phần lớn các căn hộ này đều được khách hàng đặt mua trong khoảng thời gian khoảng một năm gần đây. Thậm chí có anh L. mới mua căn hộ có diện tích 107 m2, giá gần 4,3 tỉ đồng cách nay khoảng ba tháng đã rao bán lỗ gần 70 triệu đồng.
Ngoài ra, các dự án Star Hill, dự án Scenic Valley, dự án căn hộ Rivera Park, Phú Mỹ Hưng, Happy Valley, City Garden, Nassim Thảo Điền… cũng rao bán lỗ với giá từ khoảng 50 triệu – 300 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, rất ít căn hộ được rao bán thành công, bởi người dân đang có tâm lý e ngại.
Hết thời chung cư, căn hộ cao cấp (?)
Thực tế, nhiều căn hộ cao cấp nhưng không đẳng cấp khiến khách hàng thiếu tin tưởng vào các chủ đầu tư. Do nhiều chủ đầu tư không chú trọng chất lượng mà chạy theo số lượng cũng khiến uy tín bị giảm mạnh.
Người dân tìm về các căn hộ, chung cư tầm trung cho vừa túi tiền. Còn đối với các căn hộ cao cấp thì đây là miếng bánh ngon nhưng không dễ nuốt, nên ai cũng nản lòng.
Đơn cử như nhiều cư dân sống tại chung cư The Everrich Infinity của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt Corporation) bức xúc khi sống tại căn hộ cao cấp 5 sao nhưng những tiện ích bị chủ đầu tư ngó lơ…
Không chỉ bức xúc chuyện chỗ giữ xe giá trên trời, nhiều cư dân sống tại chung cư The Everrich Infinity bực mình khẳng định Phát Đạt quảng cáo không đúng sự thật.
Cụ thể như: an ninh kém, không có nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng tập gym, siêu thị, cửa hàng tiện ích… tìm hoài chẳng thấy.
“Nghe lời quảng cáo về căn hộ theo chuẩn 5 sao của Phát Đạt, chúng tôi tin tưởng và bỏ ra số tiền rất lớn để mua. Nhưng chất lượng 5 sao đâu không thấy, chỉ thấy những chuyện hết sức bực mình kể từ khi chuyển vào đây ở”, một cư dân ở đây chia sẻ.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường CBRE, hiện có gần 60% người mua nhà đầu cơ với tỷ lệ vay từ 70 – 90% giá trị bất động sản. Hầu hết các hợp đồng vay thương mại đều không cố định lãi suất.
Vì thế khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất, áp lực tài chính đè nặng buộc nhà đầu tư phải chọn giải pháp bán tháo để tránh tồn ứ nguồn hàng kèm gánh nặng lãi suất có thể xảy ra trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng (chuyên gia bất động sản), cách nay khoảng hai năm, đã có nhiều cảnh báo về những khó khăn của phân khúc căn hộ cao cấp, nhưng nhiều người vẫn phớt lờ cảnh báo.
Đến nay, thị trường đã tồn ứ quá nhiều hàng thì nhà đầu tư khó “lượt sóng”. Để tránh ôm hàng, nhà đầu tư “lướt sóng” buộc phải bán lỗ, “tháo chạy”. Khi có nhiều nhà đầu tư thứ cấp muốn rút khỏi thị trường căn hộ cao cấp sẽ tạo thành làn sóng bán cắt lỗ”.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo, tình trạng cắt lỗ căn hộ, chung cư cao cấp vẫn tiếp tục một thời gian ngắn nữa.
Cũng theo chuyên gia này, các nhà đầu tư bán cắt lỗ căn hộ chủ yếu là đầu cơ để chờ giá. Tuy nhiên, đến nay giá không lên, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp, nên đành phải bán ra.
Hiện tượng bán cắt lỗ xuất hiện ở hàng loạt dự án chung cư là hậu quả của cuộc chạy đua triển khai các dự án nhà ở cao cấp trong những năm trước.
Thái Minh (Tổng hợp)/ Theo Kinh tế Tập đoàn