Trung Quốc âm thầm độc chiếm thị trường đồ y tế toàn cầu cả sau dịch Covid-19

Để đối phó với việc Trung Quốc siết nguồn cung khẩu trang, áo bảo hộ, kit xét nghiệm và hàng loạt các trang thiết bị chống dịch, các nước trên thế giới đã cho mở các nhà máy sản xuất cho riêng mình, nhằm đối phó với cơn đại dịch hiện tại và tích trữ cho tương lai.

Nhưng khi đại dịch Covid, những nhà máy này sẽ khó mà tồn tại nổi, lý do là vì Trung Quốc đã có chuẩn bị để độc chiếm thị trường trang thiết bị y tế cho nhiều năm tới, tờ The Strait Times (Singapore) cho biết.

Với sự hậu thuẫn từ chính phủ, chủ các nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế tại Trung Quốc có được rất nhiều lợi thế, chẳng hạn như thuê đất đai rẻ, các gói vay vốn lãi suất thấp. Ngay cả bệnh viện Trung Quốc cũng được chỉ đạo phải mua hàng trong nước.

Một khi vắc-xin Covid-19 ra đời, nhu cầu về trang thiết bị y tế toàn cầu sẽ giảm, và dĩ nhiên là nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa. Nhưng khi ấy thì các công ty Trung Quốc đã sở hữu được nguồn hàng với giá rẻ nhất và hoàn toàn có ưu thế vượt trội hơn hẳn các đối thủ ngoại quốc một khi thế giới hứng thêm đại dịch, The Strait Times bình luận.

“Người Trung Quốc đã mưu đồ thành công trong việc thống trị thị trường trang thiết bị y tế cá nhân toàn cầu với chiêu kiểm soát và khống chế cung cầu”, Omar Allam, cựu quan chức thương mại Canada, nhận định.

Thống kê từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cho thấy trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã xuất khẩu khẩu trang phẫu thuật, máy trợ thở và các trang thiết bị bảo hộ y tế khác nhiều hơn phần còn lại của thế giới gộp lại.

Rồi khi Covid-19 lây lan, xu thế đó càng tăng thêm khi Bắc Kinh cho tăng sản lượng khẩu trang lên gần gấp 12 lần chỉ tính riêng trong tháng 2. Hiện thì Trung Quốc trong một ngày có thể cho ra 150 tấn vải chuyên dùng để may khẩu trang, nhiều hơn gấp 5 lần con số trước đại dịch và gấp 15 lần năng xuất của Mỹ, tính ở thời điểm các công ty của nước này đã đẩy mạnh sản xuất.

Các công ty Mỹ đã do dự trong việc đổ vốn đầu tư vào ngành dệt may vì họ dự đoán nhu cầu về khẩu trang chỉ tăng nóng tạm thời. Thế nhưng, đơn cử tại bang Texas, tính đến đầu tháng 7, mọi người dân đều phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng và đây chỉ là một trong nhiều bang quy định phải đeo khẩu trang.

“Sẽ là một sai lầm lớn nếu cho rằng thị trường (trang thiết bị y tế) sẽ biến mất”, Bob McIlvaine, chủ một công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường tại Illinois (Mỹ) cảnh báo.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc mới đây cho biết nước này đã xuất 70,6 tỉ khẩu trang tính từ tháng 3 đến tháng 5. Cả thế giới làm ra chỉ khoảng 20 tỉ cái trong cả năm 2019, với Trung Quốc chiếm hơn nửa số này.

Các nước khác sau đó mới rục rịch tìm cách phản đòn. Hồi tháng 3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ sản xuất khẩu trang và máy trợ thở vào cuối năm nay. Peter Navarro, cố vấn về các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Trump, đã bắt đầu thúc dục chính quyền liên bang mua trang thiết bị y tế trong nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đã đi trước một bước.

Vào năm 2010, Bắc Kinh đã đề ra kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm với mục tiêu “tập trung phát triển trang thiết bị y tế cơ bản có nhu cầu cao”.

Rồi từ năm 2017, Trung Quốc cũng dự đoán được tầm quan trọng của bộ xét nghiệm nucleic acid, loại có khả năng phát hiện virus corona. Trong năm đó, Bắc Kinh đã chỉ đạo tập trung phát triển bộ xét nghiệm này.

Bên cạnh đó, các công ty sản xuất trang thiết bị y tế Trung Quốc được hưởng rất nhiều trợ cấp từ chính phủ. Shenzhen Mindray, nhà sản xuất máy trợ thở chuyên dụng và các thiết bị cao cấp khác, được nhận một khoản ngân sách hỗ trợ lên đến 16,6 triệu USD/năm trong suốt 3 năm qua. Winner Medical, công ty sản xuất khẩu trang, nhận 3-4 triệu USD/năm. Guangzhou Improve, tập đoàn làm khẩu trang và bộ kít xét nghiệm, được cấp 2,5-5 triệu USD/năm.

Ngoài ra, các bệnh viện tại nước này đều đã được chỉ đạo mua trang thiết bị trong nước từ 3 năm trước.

Minh Đức