Việc kiểm tra chuyên ngành tốn quá nhiều thời gian cùng với các yếu tố thiếu thuận lợi như hạ tầng giao thông đang khiến Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn với các nước trong khu vực.
Chi phí thương mại quá cao
Theo báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới công bố mới đây, chi phí thương mại của Việt Nam hiện ở mức rất cao so với trung bình 4 nước ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Cụ thể, thời gian tuân thủ kiểm tra chuyên ngành để xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN 4 là 24 giờ, con số này tại Việt Nam lên tới 50 giờ; thời gian tuân thủ tại cửa khẩu đối với xuất khẩu cũng cao hơn nhiều ASEAN 4 khi lên tới 55 giờ so với mức trung bình 37.
Đáng chú ý, nếu một doanh nghiệp chỉ mất trung bình 28 giờ để tuân thủ kiểm tra chuyên ngành đối với nhập khẩu tại ASEAN 4, doanh nghiệp này sẽ phải bỏ ra gấp gần 3 lượng thời gian trên nếu như vào Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, việc kiểm tra chuyên ngành trên đang là chi phí lớn nhất trong nhập khẩu khi chiếm tới 55% tổng thời gian, làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của Việt Nam.
Mặc dù hải quan chịu trách nhiệm cho khâu can thiệp cuối cùng để thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, các cơ quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành mới là nút thắt lớn trong chi phí thương mại.
Báo cáo của WB chỉ rõ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế chiếm tới 74% số biện pháp quản lý và do đó, đây sẽ là những nơi có khả năng đóng góp nhiều nhất vào giảm chi phí.
Đâu là lời giải cho bài toàn năng lực cạnh tranh?
Hạ tầng kết nối của Việt Nam hiện đang còn nhiều bất cập như tốc độ tăng trưởng vận tải cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP hay tốc độ di chuyển cùng mức tin cậy về dịch vụ vận tải thấp.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch cung cầu đang diễn ra tại khu vực cảng. Trong khi một số cảng có mức tận dụng cao như cảng TP. HCM (94%), một số cảng khác lại quá nhàn rỗi như cảng Cái Mép – Thị Vải khi dư thừa tới 71%.
- Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cho biết: “Hệ thống giao thông của Việt Nam có vẻ như không đáp ứng đủ nhu cầu thay đổi về mặt hàng, đặc biệt là các loại mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao nhưng khối lượng thấp”.
“6 năm trước đây, không ai có thể hình dung được Việt Nam có thể xuất khẩu được 45 tỷ USD tiền điện thoại năm vừa qua, mà phần lớn số đó được vận chuyển qua đường hàng không”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Đức, nếu không có định hướng phát triển giao thông theo chuỗi giá trị, theo cách nền kinh tế vận chuyển trong tương lai thì Việt Nam có làm đường bộ rất nhiều cũng không mang lại hiệu quả.
“Chi phí là yếu tố quan trọng nhất của năng lực cạnh tranh nhưng không phải là tất cả. Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam phải chuyển dịch lên một nền sản xuất cao hơn, nghĩa là phải sản xuất được mặt hàng có tính chất phức tạp hơn, phải dịch chuyển tới chuỗi giá trị và đồng thời, phải có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao hơn”, ông Đức khẳng định.
Ông Phạm Minh Đức (ngoài cùng bên phải) đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam
Thành quả trên có đạt được hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách tạo thuận lợi thương mại, giao thông, cơ sở hạ tầng cũng như năng lực của lĩnh vực.
Về những cải cách tạo thuận lợi thương mại, WB khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng chuẩn quốc tế trong phân loại các biện pháp kiểm tra chuyên ngành và hợp lý hóa trên cơ sở thực tiễn. Ngoài ra, Việt Nam nên tạo thuận lợi cho công tác kiểm nghiệm nhanh bằng cách cho phép doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ.
Về cải thiện hạ tầng kết nối, WB cho rằng Việt Nam nên lập kế hoạch tích hợp hỗ trợ kết nối vận tải đa phương tiện, gắn quy hoạch kết nối với sự phát triển chuỗi giá trị và mở cửa cho tư nhân tham gia về tài chính và vận chuyển.
Hồng Hà/TheLeadear