Chân dung doanh nhân nắm giữ kỉ lục Phật giáo Việt Nam nhờ sáng tác cải lương

“Cuộc đời Đức Phật” là vở cải lương nổi tiếng từng được lưu diễn khắp cả nước và là một trong 12 kỷ lục Phật giáo Việt Nam, nhưng ít ai biết soạn giả hiện là một doanh nhân rất thành đạt đang sinh sống tại Sài Gòn.

Trong danh sách 12 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được công bố hồi năm 2008, “Cuộc đời Đức Phật” mang lại tiếng vang nhiều nhất trong công chúng, được vinh danh là vở cải lương lớn nhất và có số lượng đĩa DVD đã được in ấn nhiều nhất Việt Nam với số lượng lên đến 30.000 đĩa.

Nhiều người đã bất ngờ khi được biết soạn giả của vở cải lương đình đám này là anh Võ Phú Nông, một doanh nhân rất thành đạt đang sinh sống tại Sài Gòn. Anh Nông hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dược phẩm Bimeca, kiêm giám đốc công ty Truyền thông Kinh tế Tập đoàn (Economy Group Media).

Nhắc lại thời gian nung nấu sáng tác ra tác phẩm nghệ thuật lớn kể trên, anh Nông cho biết nguyên do khiến anh chọn sáng tác kịch bản có đề tài đã được khai thác rất nhiều là vì anh thấy các vở đi trước chỉ nhấn mạnh một số thời điểm trong cuộc đời Đức Phật.

“Tôi muốn làm trọn vẹn 4 thời kỳ đản sanh, thành đạo, hoằng pháp và Niết bàn. Đặc biệt tôi chú ý xây dựng hình tượng Đức Phật lịch sử chứ không ẩn chứa huyền thoại như trước”, doanh nhân 46 tuổi này cho hay.

Anh Nông cũng cho biết thêm từ nhỏ yêu cải lương, đã bắt đầu ăn chay và đọc sách Phật từ năm 20 tuổi.

“Khi tôi đọc đến kinh Viên Giác, tự nhiên nước mắt ứa ra, vì thương Đức Phật tìm đạo gian khó, rồi 49 năm đi hoằng pháp cũng gian nan, vất vả. Bây giờ mình ngồi đọc một lúc đã hết cuốn kinh, coi như mình hưởng tất cả công lao của Phật. Vậy mình phải làm cái gì đó để đền ơn Phật, đền ơn Tam bảo. Thế là tôi thử sáng tác những bài ca cổ. Từ đó duyên lành cứ đến với tôi”, anh Nông nói.

“Cuộc Đời Đức Phật” (từ Đản Sanh tới Thành Đạo) đã nhận được rất nhiều sự chú ý và tán thưởng của công chúng trên cả nước. Vở diễn được đánh giá là đã lột tả được cuộc đời của một bậc Đại Trí, Đại Từ Bi – đức đã ra đời để cứu khổ nhân sinh.

Kịch Bản: Tuệ Quang
Cố Vấn & Biên Tập: Thích Nhật Từ

Minh Đức

Nguồn: YouTube