Đi ngắn, đi gần, đi hưởng thụ

Năm 2017, có 7,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Điểm đến được yêu thích nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Campuchia và Thái Lan.

Nguyễn Anh Thư, 31 tuổi, sống tại TP.HCM, phụ trách một công ty quảng cáo, mới có chuyến nghỉ dưỡng tại Bhutan cùng nhóm bạn. Năm ngoái, chị đã đến Ấn Độ 7 ngày ngay sau khi có chuyến du lịch cùng công ty tại Thái Lan.

“Những người trẻ thường thích du lịch và khám phá thế giới. Đi lại dễ dàng hơn giúp chúng tôi có điều kiện theo đuổi sở thích này”, chị Thư cho biết. Chị nói thêm: “Tôi đã lên những điểm đến kế tiếp ở nước ngoài trong những năm tới”.

Những người như chị Thư đang góp phần vào số lượng người Việt du lịch nước ngoài ngày càng tăng. Theo Euromonitor, năm 2017, Việt Nam ghi nhận 7,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Điểm đến được yêu thích nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Campuchia và Thái Lan. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du khách Việt Nam đã tiêu 8 tỉ USD trong năm 2016.

Con số này nhiều hơn 2 lần so với 3,5 tỉ USD năm 2012. Dẫn các con số này, tờ Financial Times (Anh) thậm chí có bài viết “người Việt đang đổ xô du lịch nước ngoài dịp Tết…”.

Bùng nổ nhờ lực kích cầu 

Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, người Việt có hành trình du lịch ngắn nhất trên thế giới, chuyến đi chỉ kéo dài trong 4 đêm hoặc ít hơn.

Kết quả được đưa ra dựa trên khảo sát về xu hướng du lịch toàn cầu do Visa thực hiện, với sự tham gia trên 15.000 người đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Di ngan, di gan, di huong thu

Kết quả báo cáo cho thấy, trong số 5 động lực chính khi đi du lịch, những người du lịch vì cảm giác “tận hưởng” thường đi để gắn kết hơn với bạn bè và người thân vẫn chiếm phần nhiều.

Riêng những du khách “khám phá” có xu hướng trải nghiệm nhiều hơn các nền văn hóa mới và thăm thú nhiều điểm đến hấp dẫn vẫn ít.

Cứ 10 người du lịch quốc tế thì có 6 người (63%) trả lời rằng họ đi du lịch vì cả hai lý do này. Tỉ lệ tương ứng ở Việt Nam là 72%, có nghĩa là 7/10 người đi du lịch để tận hưởng.

Kinh tế của Việt Nam nói chung và đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện hơn. Đáng chú ý là tầng lớp trung lưu và người có thu nhập cao đang ngày càng tăng, kéo theo đó là xu hướng đi du lịch nước ngoài.

Theo Euromonitor, du lịch nước ngoài từ Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm trong vòng vài năm trở lại đây. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, du lịch là 1 trong 3 sở thích lớn nhất của những người Việt khá giả, tiếp đến là đi ăn ngoài và mua sắm quần áo.

Trung bình, mỗi du khách Việt sẽ đi nước ngoài 5 lần trong 2 năm tới. Con số này đã tăng lên so với 2 năm trở lại đây (3,5 chuyến).

Trong đó, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật và Singapore là các điểm đến được lựa chọn nhiều nhất. Những chuyến đi trong khu vực hiện đang vượt trội hơn cả với 91% du khách Việt từng đến một địa điểm thuộc châu Á trong thời gian 2 năm trở lại đây.

Những quốc gia này sẽ tiếp tục giữ vững vị thế trong 2 năm tiếp theo, dù điểm đến là Mỹ đang gia nhập vào top 5.

“Thời gian qua ghi nhận nhiều hoạt động kích cầu du lịch. Các hãng hàng không giảm giá vé liên tục, chính sách du lịch các nước bạn thông thoáng hơn… cộng với phương tiện truyền thông cũng góp phần quảng bá du lịch, dẫn đến xu hướng đi du lịch nước ngoài tăng cao, nhất là vào dịp lễ, Tết”, bà Đỗ Thụy Nhã Đoan, Giám đốc Điều hành Viet Moon Travel, đánh giá.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy du khách Việt Nam là đối tượng thích những chuyến du lịch ngắn nhất thế giới.

Trung bình chuyến du lịch gần nhất của họ chỉ kéo dài 4 đêm, ngắn hơn rất nhiều so với con số trung bình ở châu Á – Thái Bình Dương (7 đêm). Họ chọn các điểm đến có thời gian di chuyển trung bình là 4,5 giờ.

Theo bà Đoan, do đặc thù công việc của người Việt Nam, khách không gom ngày nghỉ của cả năm để đi du lịch mà chia nhỏ quỹ thời gian để đi từ 2-3 chuyến một năm.

Cùng vì không thể dành nhiều thời gian cho việc đi du lịch nên người Việt chỉ chọn những thị trường gần, có thời lượng bay từ 2-6 tiếng như châu Á, hoặc Đông Nam Á là chủ yếu.

Các điểm đến này có lợi thế là ngày càng nhiều hãng hàng không giá rẻ khai thác, dẫn đến chi phí tour thấp, thậm chí còn thấp hơn hoặc ngang bằng trong nước.

“Các tuyến Đông Bắc Á và Trung Đông ngày càng giảm thủ tục xin visa để thu hút du lịch. Năm 2017 các tour “hot” được chọn là: Đài Loan, Trung Quốc (Phượng Hoàng Cổ Trấn), Hàn Quốc do giá tour rẻ, cảnh sắc đẹp. Đơn vị lữ hành hiện nay ghi nhận lượng khách thị trường trên tăng đột biến trong năm qua”, bà Đoan chia sẻ.

Chi tiêu ngày càng nhiều hơn

Một thông số đáng chú ý trong báo cáo là du khách Việt Nam đang chi tiêu nhiều hơn, sử dụng thẻ thường xuyên hơn. Mỗi du khách Việt dự kiến sẽ chi khoảng 1.100USD trong chuyến đi tiếp theo.

Trung bình trong chuyến đi gần nhất, họ chỉ chi 880USD. Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào, đánh giá, người dân đi du lịch nhiều hơn, chi tiêu cho du lịch mạnh tay hơn chứng minh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều của tầng lớp khá giả. Bởi vì, đó là những đối tượng hứng thú với du lịch quốc tế hơn trong nước.

Di ngan, di gan, di huong thu

Đồng quan điểm, bà Đoan cho biết, giá vé máy bay, dịch vụ cũng tương đối cao so với thu nhập của tầng lớp trung lưu, thêm việc vướng nhiều thủ tục trong việc xin visa các nước như Úc, Mỹ, châu Âu… nên khách đến các điểm này vẫn có, nhưng không nhiều và không thường xuyên.

Bà Đoan dự báo: “Năm 2018, xu hướng của du khách là trải nghiệm những dịch vụ mới so với du lịch truyền thống như: du lịch bằng du thuyền, trực thăng, du lịch khám phá, mạo hiểm… Về điểm đến, Trung Đông sẽ phát triển mạnh trong năm nay”.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, theo chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, du lịch Phạm Đình Dũng, nếu tính từ năm 1997, thời điểm công dân Việt Nam được tự do làm hộ chiếu, đăng ký xuất ngoại đến nay thì trải qua hơn 20 năm nhưng du khách Việt Nam vẫn chỉ đi du lịch ngắn ngày, đi trong khu vực chứng tỏ thị trường vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Nguyên nhân khách quan vì phần lớn khách du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự dùng nhiều tiền cho du lịch, ngoại ngữ hạn chế và kiến thức về du lịch thế giới vẫn còn nghèo nàn.

“Với những tín hiệu như hiện nay, phải mất 10-20 năm nữa thì phần lớn du khách Việt Nam mới có thể phát triển đến mức du lịch khám phá, du lịch có mục đích với những địa danh mình quan tâm, thay vì đến những nơi đang là xu hướng.

Đây là những đối tượng du khách có thu nhập cao, dám chi tiền mạnh tay cho sở thích của mình”, ông Đình Dũng cho biết.

ĐẶNG QUÝ YÊN/NCĐT